Sovico tính gì với thương vụ tài trợ tại Oxford?

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo vừa gây ấn tượng mạnh với việc tài trợ cho một trường thuộc hệ thống Oxford số tiền 155 triệu bảng Anh. Trong khi đó, những số liệu tài chính trong hoạt động của Sovico đang có nhiều vấn đề cần giải quyết.
Sovico tính gì với thương vụ tài trợ tại Oxford?

Thương vụ tài trợ ấn tượng

Ngày 1/11/2021, Đại học Linacre thuộc Viện Đại học Oxford (Anh) thông báo về lễ ký kết bản ghi nhớ (MoU) với Tập đoàn Sovico do Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo đại diện về khoản tài trợ "khủng".

Theo đó, Sovico sẽ tài trợ cho Linacre số tiền lên đến 155 triệu bảng Anh (tương đương 4.810 tỷ đồng). Như vậy, Sovico phá kỷ lục ở Oxford, khoản tài trợ vượt cả tập đoàn "khủng" của Mỹ. Trước đó, năm 2019, tỷ phú Stephen A. Schwarzman, Chủ tịch Tập đoàn Blackstone (Mỹ) từng tặng cho Oxford "món quà" 150 triệu bảng.

Sau khi nhận được 50 triệu bảng Anh đầu tiên từ gói tài trợ này, nhà trường sẽ đệ trình lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh để đổi tên thành "Thao College", nhằm ghi nhận khoản tài trợ "mang tính chất bước ngoặt" đối với ngôi trường này.

Số liệu tìm hiểu cho thấy, 155 triệu bảng Anh là số tiền rất lớn với Đại học Linacre. Số tiền này cao gấp gần… 5 lần tổng tài sản mà Linacre tích luỹ được sau rất nhiều năm hoạt động.

Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản tại Linacre chỉ là 32,13 triệu bảng Anh, giảm nhẹ so với 32,14 triệu bảng Anh hồi năm 2019.

Giai đoạn cuối năm 2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của trường là âm 496.000 bảng Anh, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là âm 9,2 triệu bảng Anh, tăng vọt so với con số âm 122.000 bảng Anh.

Năm 2020, trường Linacre ghi nhận doanh thu chỉ 4,4 triệu bảng Anh nên đã thua lỗ 16.000 bảng Anh. Việc thua lỗ này có thể giải thích bằng Covid-19.

Trước đó 1 năm, trong năm 2019, trường cũng chỉ đạt doanh thu 4,4 triệu bảng Anh và khoản lợi nhuận hơn 1,7 triệu bảng Anh.

Nhiều vấn đề tài chính trong hoạt động của Sovico

Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, tình hình kinh doanh của Sovico cũng đang chịu những tác động cụ thể.

Vào năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Sovico chỉ đạt 893 triệu đồng, giảm 163,1 tỷ đồng, tương đương 99,5% so với năm 2019. Điều đáng nói, lợi nhuận rơi tự do trong khi doanh thu và doanh thu hoạt động tài chính tại Sovico cải thiện mạnh.

Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ tại Tập đoàn năm 2020 tăng 1,2 tỷ đồng, tương đương 70,6% lên 2,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính lên tới 1.896 tỷ đồng, tăng 1.555 tỷ đồng, tương đương 456%.

Chi phí tài chính năm 2020 vọt lên 1.829 tỷ đồng, từ con số 161 tỷ đồng của năm 2019. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối, đạt 1.816 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2020, nợ phải trả của Tập đoàn này là 23.900 tỷ đồng (khoảng 1,03 tỷ USD), tăng rất mạnh, tăng 17.741 tỷ đồng, tương đương 288% so với cuối năm 2019 và cao cấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu.

Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn lên tới 21.978 tỷ đồng, tăng vượt bậc so với con số 6.000 tỷ đồng hồi cuối năm 2019. Nợ vay quá cao đã gây áp lực tới lợi nhuận của Sovico.

Xét trong cơ cấu tài sản (nguồn vốn) của Sovico, nợ chiếm chủ yếu. Nợ phải trả đạt 23.900 tỷ đồng, chiếm 71% tổng nguồn vốn.

Nợ vay tăng “phi mã” trong năm 2020 thế nhưng tại thời điểm cuối năm, Sovico lại âm nặng dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Sovico là âm 1.308 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là âm 13.132 tỷ đồng. 

Có thể bạn quan tâm