Sự thật đằng sau việc thương lái Trung Quốc lùng sục tìm mua bọ xít đen và ve sầu Việt Nam

Những năm gần đây, thương lái Trung Quốc thường xuyên thu mua các loại côn trùng của Việt Nam như bọ xít đen, bọ hung, ve sầu. Những mặt hàng này được thu mua với giá rất cao, mang lại lợi nhuận kinh tế cho người dân Việt Nam nhưng cũng tiềm ẩn đầy nguy hiểm...

loai-vat-5-1717846389586434773409-232-0-1832-2560-crop-1717846860607762366026-1-3190.jpg
Những năm gần đây, người dân Việt Nam thường xuyên đổ xô thu mua côn trùng để bán sang Trung Quốc

Mạng xã hội Việt Nam trong những năm gần đây thường xuyên gây sốt với những đợt thu mua côn trùng giá cao ngất ngưởng khiến nhiều người dân bỏ thời gian, công sức để gom hàng đi bán. Thế nhưng, đổ xô đi bắt hay thu mua côn trùng đem bán cho thương lái Trung Quốc để kiếm tiền triệu liệu có phải là việc làm tốt?

SĂN MUA CÔN TRÙNG GIÁ CAO

Hồi đầu tháng 6/2024, mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết thu mua bọ xít đen giá cao không hạn chế số lượng gây nên tình trạng người dân tiến hành đánh bắt tận diệt, thu gom số lượng lớn hay nuôi dưỡng số lượng lớn bọ xít đen.

Các thương lái đăng đàn trên các hội nhóm thu mua bọ xít đen tại nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... với giá cao ngất ngưởng, dao động 3 - 8 triệu đồng/kg tùy loại. Trong khi đó, bọ xít sống được bán với giá 300.000 - 350.000 đồng/kg, bọ xít đã phơi khô có giá 900.000 – 1 triệu đồng/kg.

Theo các thương lái, bọ xít đen được thương lái Trung Quốc thu mua về để làm thuốc. Tính đến hiện tại, bọ xít đen là loại côn trùng được thu mua với giá cao nhất do số lượng bọ xít đen ngày càng ít khiến hàng khan hiếm hơn.

Trước bọ xít đen, Trung Quốc cũng có nhiều lần khiến mạng xã hội Việt Nam sục sôi khi thu gom các mặt hàng côn trùng lạ đời khác như xác ve sầu, bọ hung, giun đất…

Cụ thể, hồi tháng 5/2024, trên các trang mạng xã hội ở Gia Lai và Kon Tum liên tục đăng tải nội dung và hình ảnh các thương lái thu mua xác ve sầu giá bán từ 500.000 đồng trở lên.

Theo đó, các thương lái hỏi mua xác ve sầu số lượng lớn các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk. Nếu người dân có xác ve số lượng nhiều, thương lái sẽ đến tận nơi thu mua. Thậm chí, nhiều thương lái sẵn sàng thu mua với giá 2 triệu đồng/kg đối với xác ve sầu lớn, loại nhỏ có giá 1,2 triệu đồng/kg.

ve-sau-2-5612.jpg
Bài đăng thu mua xác ve sầu trên Facebook

Để tạo niềm tin, các thương lái sẵn sàng đặt cọc trước và nhờ người dân đi săn lùng trên khắp các thôn làng nơi có những vườn cao su, điều, thậm chí lên rừng tìm kiếm.

Được biết, các thương lái thu mua xác ve sầu để bán cho phía Trung Quốc. Xác ve sầu hay còn gọi là thuyền thoái có tác dụng làm thuốc chữa bệnh. Năm nào, thương lái Trung Quốc cũng mua, nhưng năm nay có giá cao hơn.

Xác ve sầu có 2 loại, loại xác mỏng có màu đỏ tươi và loại xác dày có màu tối, sậm hơn. Loại xác mỏng giá thấp hơn loại xác dày.

Để có đủ hàng bán cho thương lái nước ngoài, những thương lái ở Kon Tum đã mua xác ve sầu không giới hạn khối lượng. Thậm chí, nhiều người dân còn bỏ dở công việc làm nông để đi tìm gom xác ve sầu.

Tiếp đến là bọ hung hay bù hung. Nhiều người còn gọi là bọ phân trâu, bọ phân bò, một số vùng dân tộc thiểu số gọi cua cạn. Loài côn trùng này thường sống ở các vùng ẩm thấp và có nhiều mùn. Đặc biệt là những nơi có phân trâu, bò đã thải ra nhiều ngày.

Mấy năm trở lại đây, trên thị trường, nhiều thương lái thu mua bọ hung với giá khoảng 800.000 – 900.000 đồng/kg. Cũng giống như những loại côn trùng trên, bọ hung được thương lái Việt Nam thu mua để xuất bán sang Trung Quốc.

“Theo tôi được biết, họ sử dụng con vật này để làm thuốc. Họ nhờ tôi thu gom mấy năm nay rồi. Nhưng thu mua không thường xuyên, thi thoảng họ đặt thì tôi mua gom lại, mỗi lần thu mua 1 - 2 tạ con bọ hung đã khô”, một thương lái chia sẻ.

Với các hộ gia đình chăn nuôi gia súc nhiều, khu vực phân động vật sẽ bắt được khá nhiều bọ hung. Người dân sẽ bắt về, phơi khô thì mới bán được. Kích thước mỗi con phải to hơn đầu ngón tay, những con nhỏ quá sẽ không thu mua.

Năm 2023, Việt Nam cũng rộ lên trào lưu thu mua giun đất. Được biết, để bắt giun đất, người dân đã sử dụng phương pháp kích điện. Vài người đi kích điện bắt giun đất có thể thu về 100 - 120kg giun đất/đêm và kiếm được tiền triệu mỗi ngày.

Giun tươi được bắt về đem bán cho các lò sấy ở ngay tại địa phương. Sau khi sấy khô, giun đất được bán cho các thương lái Trung Quốc. Giun đất sấy khô sẽ được bán với giá dao động từ 1 - 1,2 triệu đồng/kg, đắt nhất lên tới 1,5 triệu đồng/kg.

Tuy nhiên, thay vì bán theo cân, để thuận lợi cho người mua về sử dụng, các đầu mối buôn bán thường chia giun đất sấy khô vào các túi nilon theo trọng lượng 100gr hoặc 0,5kg.

NGUY HIỂM TIỀM ẨN

Tình trạng thu mua côn trùng ồ ạt đã gây ra nhiều vấn đề cho người dân Việt Nam như lừa đảo, thiệt hại mùa màng, đất đai, nguy hiểm đến sức khỏe…

Theo đó, với vấn nạn lừa đảo, sau khi rộ lên trào lưu thu mua bọ xít đen giá cao, Công an tỉnh Thái Bình và Tuyên Quang đã đưa ra cảnh báo cho người dân về nguy cơ bị lừa đảo.

nen-1-6543.jpg
Việc thu mua bọ xít đen giá cao tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Cụ thể, lực lượng công an cho biết, thời gian vừa qua, trên các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, xuất hiện nhiều nhóm và fanpage đăng thông tin thu mua bọ xít đen với giá cao không hạn chế số lượng với lý do thương lái Trung Quốc sẽ mua để làm thuốc. Tuy nhiên, việc mua bán bọ xít đen qua mạng xã hội có nguy cơ cao về lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng dùng các thủ đoạn lừa đảo như mua bán nhỏ lẻ để tạo niềm tin, sau đó tăng giá và yêu cầu mua số lượng lớn; tạo nhu cầu ảo để mua giá thấp và bán lại với giá cao; lừa đảo với mua bọ xít non giống giá cao nhưng không thu mua lại; lừa đặt cọc rồi chặn liên lạc.

Để tránh mắc bẫy của các đối tượng xấu, Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lôi kéo mua bọ xít đen giá cao, tuyên truyền đến người thân và bạn bè về thủ đoạn trên, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để phòng ngừa, ngăn chặn.

Đối với mùa màng, đất đai, phong trào thu mua giun đất giá cao để về làm thuốc cũng khiến người người, nhà nhà đi kích điện bắt giun đất bán cho thương lái. Từ đó, tình trạng kích trộm giun tại các vườn cây trái liên tiếp xảy ra khắp các tỉnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất.

Theo các nhà khoa học, việc bắt giun bằng kích điện sẽ làm hủy diệt các vi sinh vật có lợi trong đất, phá vỡ sự đa dạng sinh học làm giảm chất lượng đất canh tác, giảm độ phì nhiêu của đất, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, ảnh hưởng đến hệ sinh vật trong đất, môi trường và vật nuôi.

Nếu không ngăn được nạn kích giun đất, nhiều vùng nông sản nổi tiếng có thể bị ảnh hưởng, mất mùa vì giun đất có vai trò quan trọng với hệ sinh thái đất, giúp cho đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm. Phân giun cũng là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng.

Ngoài những hệ lụy về tài sản, đất đai, việc đi bắt côn trùng đem bán cũng gây nguy hiểm đến sức khỏe. Đơn cử, bọ hung là loài sống dưới đất nên luôn tiềm ẩn những độc tố.

Đã từng có trường hợp người dân bị bỏng khi săn bắt bọ hung do chất độc côn trùng gây ra. Do đó, người dân khi săn bắt côn trùng luôn phải trang bị đồ bảo hộ lao động.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...