Tác động của dịch bệnh Covid-19 đến kinh tế Việt Nam

Covid-19 gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

Theo báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh corona đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường và chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động.

Dịch bệnh đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta; ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của ngành dệt may và da giày, túi xách.

Cụ thể, do phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, nên các doanh nghiệp này không chỉ đối phó ngăn ngừa virus corona tại nhà máy, mà còn lo không đủ nguyên liệu sản xuất các ngày tới.

Những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp có thể kể đến như lĩnh vực xuất - nhập khẩu, lĩnh vực du lịch và vận tải. Những ngành bị ảnh hưởng gián tiếp gồm sản xuất nông, lâm, thuỷ sản; công nghiệp; thương mại nội địa; đầu tư; thu ngân sách Nhà nước và quan trọng hơn là sự phát triển của doanh nghiệp. 

Ngoài ra, dịch Covid - 19 cũng sẽ tác động lớn đến thị trường lao động - việc làm; ảnh hưởng đến toàn bộ ngành giáo dục và đời sống sinh hoạt - tâm lý của người dân. 

Chính vì vậy, năm 2020 sẽ là năm rất khó khăn đối với kinh tế Việt Nam, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức rất lớn trong bối cảnh ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh kép từ Covid-19 và dịch bênh khác trên gia súc và gia cầm (H5N1, H5N6) đang diễn ra hiện nay.

Kịch bản tăng trưởng năm 2020 được xây dựng dựa trên cơ sở đánh giá tác động của những yếu tố này đến tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế, trong đó xác định cụ thể tăng trưởng kinh tế khi dịch Covid-19 kết thúc trong quý I và kết thúc trong quý II của năm 2020.

Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phương châm thực hiện các biện pháp ứng phó với dịch Covid - 19 cần theo hướng 'không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”.

Có thể bạn quan tâm