Tài sản mã hoá không chỉ là tiền ảo

Hiện các ngân hàng đang dẫn đầu trong lĩnh vực mã hóa tài sản. Song các công ty quản lý quỹ và các doanh nghiệp cũng đang ngày càng tích cực tham gia vào lĩnh vực này...

Thị trường tài sản mã hóa toàn cầu đang tăng trưởng nhanh chóng. Theo dự đoán của Statista, doanh thu của thị trường tài sản mã hoá toàn cầu có thể đạt tới 56,42 tỷ USD vào cuối năm 2023. Số lượng người tham gia thị trường này có thể lên tới 994,3 triệu người vào năm 2027.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi loại tài sản mã hoá được biết đến nhiều nhất là tiền ảo. Trong đó, Bitcoin có lẽ là đại diện tiêu biểu nhất, mặc dù trong thực tế thị trường tiền ảo đã phát triển nhanh đến chóng mặt kể từ lần đầu xuất hiện khoảng một thập kỷ trước. Một vài đại diện tiền ảo nổi tiếng có thể kể đến là Ethereum, Tether, Cardano và Litecoin.

Tuy nhiên, tài sản mã hoá cần được hiểu là một khái niệm rộng hơn. Đó là tất cả những tài sản được tạo ra và trao đổi trên các nền tảng chuỗi khối (blockchain).

HỢP THỨC HOÁ TÀI SẢN MÃ HOÁ

Theo ông James Estaugh, Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán, HSBC Việt Nam, tiền điện tử của ngân hàng trung ương - Central bank digital currency (CBDC) là hình thức mã hóa theo công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger Technologies – DLT) của tiền pháp định, được sử dụng và quản lý bởi ngân hàng trung ương cho mục đích thanh toán, có thể sử dụng cho đại chúng hoặc chỉ dành cho các giao dịch liên ngân hàng.

CBDC không phải là một loại tiền ảo. CBDC hoạt động trên blockchain có phân quyền và được quản lý tập trung bởi ngân hàng trung ương, trong khi tiền ảo hoạt động trên blockchain không phân quyền và phi tập trung, trong đó mọi quyết định được ban hành dựa trên các giao thức định trước để đạt đồng thuận. CBDC được công nhận hợp pháp tương đương với tiền pháp định và có giá trị ổn định hơn nhiều so với tiền ảo.

Hiện nay có 105 quốc gia, đại diện cho hơn 95% GDP toàn cầu, đang nghiên cứu triển khai CBDC. Trong đó, hơn 10 quốc gia đã triển khai thực tế (Bahamas, 9 quốc gia thuộc vùng Caribbean, Campuchia và Nigeria).

Ông James Estaugh, Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán, HSBC Việt Nam

Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới với các bước tiến vượt bậc trong việc phát triển đồng CBDC của mình, tiến hành nhiều thử nghiệm cho đồng Nhân dân Tệ số hóa trong năm 2020 và đã thành công với nhiều thành phố, khu vực. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang hợp tác với nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới để nghiên cứu và phát triển tiền điện tử.

Stablecoin là một loại tiền ảo được thiết kế để giảm thiểu biến động giá bằng cách neo giá trị của nó theo một tài sản khác ổn định hơn (như tiền pháp định hoặc hàng hóa). Dù stablecoin được tạo ra, lưu thông và sử dụng trên các nền tảng phi tập trung và không được quản lý bởi cơ quan nào, giá trị của stablecoin vẫn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá trị của tiền pháp định hoặc hàng hóa đang được quản lý tập trung mà nó neo theo.

Tính đến 31/1/2023, ước tính tổng vốn hóa thị trường của stablecoin toàn cầu đạt khoảng 138,4 tỷ USD.

Mã hóa tài sản (tokenization) là quá trình biến một tài sản có thực sẵn có (như cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính khác, rổ tài sản thế chấp, bất động sản, nhà máy...) thành một tài sản mã hoá, hoặc phát hành một tài sản mã hoá nguyên bản lần đầu trên một blockhain dựa trên các hợp đồng số (smart contract) và tài sản mã hoá đó tiếp tục tồn tại trên các sổ cái phân tán. Hợp đồng số là các hợp đồng tự thực hiện các thỏa thuận và giao dịch dựa trên các điều khoản đã được mã hóa vào các đoạn mã code.

Trên thế giới, các ngân hàng đang dẫn đầu trong lĩnh vực mã hóa tài sản. Các công ty quản lý quỹ và các doanh nghiệp cũng đang ngày càng tích cực tham gia vào lĩnh vực này.

Năm 2022, HSBC hợp tác với Marketnode (một liên doanh giữa Sở giao dịch chứng khoán Singapore và Temasek Holdings) và UOB để phát hành thử nghiệm sản phẩm quản lý tài sản, thuộc khuôn khổ dự án Project Guardian của Ngân hàng Trung ương Singapore (Monetary Authority of Singapore - MAS).

Tháng 1/2023, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (European Investment Bank - EIB) đã phát hành trái phiếu mã hóa bằng đồng Bảng Anh đầu tiên ra thị trường trên nền tảng HSBC Orion - một nền tảng do HSBC tự phát triển cho việc đăng ký và phát hành tài sản mã hoá theo luật của Luxembourg. Tháng 2/2023, Hồng Kông chào bán thành công trái phiếu xanh mã hóa đầu tiên trên thế giới của một chính phủ phát hành với tổng giá trị 800 triệu Đôla Hồng Kông.

NFT là loại tài sản mã hoá đại diện cho một tài sản hữu hình hoặc vô hình, bao gồm tác phẩm nghệ thuật, video, thẻ game, thậm chí là một dòng tweet. Đúng như tên gọi của mình, các tài sản mã hoá này không thể dùng để đổi lấy tài sản mã hoá cùng loại khác, vì mỗi NFT là độc nhất.

Sự quan tâm ngày càng tăng dành cho NFT đã mang lại nhiều lợi ích cho các nhà sáng tạo, giúp họ giữ lại phần lớn lợi nhuận từ việc trực tiếp bán các tác phẩm của mình cho người tiêu dùng hoặc khi các nhà sưu tập mua lại các tác phẩm đã số hóa. NFT có thể được lập trình với nhiều nội dung định trước: điều kiện để có thể bán lại NFT, hoặc khoản lợi nhuận cho tác giả khi tác phẩm của họ được bán lại...

NFT đã có mặt trên thế giới từ khoảng năm 2014 nhưng chỉ trở nên thông dụng gần đây. Năm 2021, giao dịch NFT trị giá 69,3 triệu USD tại một cuộc đấu giá NFT của nghệ sĩ Beeple đã gây tiếng vang lớn. Tổng giá trị giao dịch NFT toàn cầu chỉ riêng tháng 3/2023 đã đạt hơn 1,95 tỷ USD.

TÀI SẢN MÃ HOÁ Ở VIỆT NAM

Tiền ảo hiện nay không được phép sử dụng để mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong một hội thảo hồi tháng 10/2022 về phòng chống rửa tiền, Thủ tướng đã đề cập đến thực tế các giao dịch tiền ảo vẫn phổ biến, mặc dù không được công nhận, do đó yêu cầu Chính phủ nghiên cứu xây dựng chế tài phù hợp.

Việt Nam vẫn dành mối quan tâm lớn đến xu hướng phát triển của công nghệ blockchain và thị trường tài sản mã hoá trên toàn cầu và trong khu vực. Năm 2020, Bộ Tài Chính đã thành lập một tổ nghiên cứu về tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số nhằm mục đích xây dựng chính sách.

Năm 2021, Thủ tướng một lần nữa khẳng định định hướng phát triển nền kinh tế số hóa, giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo trong giai đoạn 2021-2023.

Cùng năm, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tư Pháp nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về CBDC. Năm 2022, Phó Thủ Tướng đã phê duyệt kế hoạch hành động Phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, trong đó bao gồm giao dịch tiền ảo. Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố một dự thảo nghị định hướng dẫn cơ chế thử nghiệm (Sandbox) có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm các giải pháp sử dụng công nghệ blockchain/sổ cái phân tán.

Hiện nay, chưa có cập nhật về đồng CBDC hay tài sản tài chính được mã hóa (tokenized financial asset) nào được phát hành tại Việt Nam, và chỉ mới ghi nhận một số đồng stablecoin neo theo Đồng Việt Nam được phát hành bởi các tổ chức nước ngoài.

Trong khi đó, thị trường NFT tại Việt Nam lại khá sôi động. Một khảo sát của Finder chỉ ra rằng, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có số lượng người sở hữu lượng NFT lớn nhất trong số các quốc gia được khảo sát vào năm 2021.

Theo đó, Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách 20 nền kinh tế nắm giữ nhiều NFT nhất (17,4%). Giữa năm 2022, một số nghệ sĩ nổi tiếng trong nước đã đưa các sản phẩm của mình lên thị trường NFT. Một số ngành khác cũng đã thí điểm phát hành NFT như du lịch, bất động sản, game...

Trò chơi điện tử NFT là một trong những câu chuyện thành công đáng nhớ và đã biến Việt Nam thành một trong những tâm điểm startup trong lĩnh vực mã hóa của thế giới. Trò chơi Axie Infinity của Việt Nam, ra mắt năm 2018, đã trở thành một hiện tượng và thống trị thị trường NFT trong năm 2022.

Từ khi Axie Infinity trở thành một trong những dự án mã hóa giá trị nhất thế giới trong năm 2021, ít nhất 7 trò chơi điện tử blockchain khác đã được triển khai ở Việt Nam, thu hút hàng triệu đôla Mỹ từ các nhà đầu tư nước ngoài.

NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

PWC dự đoán, đến năm 2030, khoảng 5% - 10% tài sản toàn cầu sẽ ở dạng số hóa. Do giá trị tài sản toàn cầu đang được kỳ vọng sẽ đạt mức 145,4 nghìn tỷ Đôla Mỹ vào năm 2025. Đây sẽ là một con số khổng lồ, thậm chí còn tiếp tục tăng lên cùng các thay đổi chóng mặt do sự đổi mới, phát triển về công nghệ toàn cầu.

Ngày nay, tiền ảo, stablecoin, CBDC và cơ sở hạ tầng cho phát hành chứng khoán mã hóa vốn đang thay đổi cục diện của thị trường tài chính. Bước tiến hóa tiếp theo trong quá trình số hóa sẽ là việc mã hóa các tài sản trong thế giới thực. Điều đó sẽ mang lại lợi ích đáng kể và trực tiếp cho thành viên thị trường thông qua hiệu quả hoạt động và cơ hội kinh doanh do công nghệ blockchain mang lại.

Đặc biệt, đối với thị trường chứng khoán, ứng dụng hứa hẹn nhất của tài sản mã hoá sẽ là các tài sản kém thanh khoản có giá trị lớn và vòng đời kéo dài, với các giao dịch tiêu tốn nhiều nguồn lực cho quản lý như trái phiếu. Bằng cách mã hóa các tài sản này, chủ sở hữu sẽ có thể bán một phần quyền sở hữu tài sản theo cách dễ dàng và với chi phí hợp lý hơn.

Cũng nhờ vậy, bên mua có thể tiếp cận và sở hữu một phần của loại tài sản này, thay vì phải chi trả một khoản tiền quá lớn và đối mặt với tình trạng kém thanh khoản nếu mua toàn bộ tài sản đó.

Bà Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Dịch vụ Khách hàng, Khối Dịch vụ Chứng khoán, HSBC Việt Nam

Bà Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Dịch vụ Khách hàng, Khối Dịch vụ Chứng khoán, HSBC Việt Nam cho rằng, đây có thể là một giải pháp để Việt Nam cân nhắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, “mùa đông của thị trường tài sản mã hoá trong năm 2022” cũng là lời cảnh báo với tất cả chúng ta. Dù cuộc cách mạng kỹ thuật số đang mang tới những cơ hội lớn về lợi nhuận vượt trội, những thành viên tham gia thị trường không hề miễn nhiễm với các rủi ro.

"Cần có một nền tảng pháp lý vững chắc để hỗ trợ sự phát triển dài hạn, bền vững của thị trường các tài sản mã hoá. Việc xây dựng các quy định pháp luật về tài sản mã hoá và các nền tảng DLT sẽ là một yếu tố quan trọng quyết định việc mã hóa tài sản xa và nhanh đến đâu", bà Châu nhấn mạnh.

Trên khắp thế giới, các cơ quan quản lý đang tham gia tích cực vào các dự án thí điểm, cho thấy các chính phủ đều đánh giá cao vai trò của tài sản mã hoá trong lĩnh vực đầu tư, nhưng cũng đã nhận thấy những khoảng cách giữa thị trường tài chính truyền thống và thị trường tài chính mã hóa.

Cho dù là do các yêu cầu pháp lý, do sáng kiến ​​của Chính phủ và các ban ngành, động lực từ phát triển bền vững, hoặc do sức mạnh của tài sản mã hoá như một lực đẩy cho sự cải tiến, ngành đầu tư đang tiến về tương lai.

Đối với Việt Nam, bà Châu gợi ý, Chính phủ đang có những bước tiến trên con đường hiện thực hóa tầm nhìn của mình về một nền kinh tế kỹ thuật số quốc gia, nhưng cách tiếp cận tương đối thận trọng nhằm bảo vệ thành viên thị trường và đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Có thể bạn quan tâm