Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây nên những xáo trộn tại các vành đai công nghiệp trọng điểm phía Nam sau đợt giãn cách xã hội kéo dài. Theo báo cáo của Savills, sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 trên cả nước giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm sâu nhất kể từ tháng 7. Sản lượng công nghiệp giảm 4 tháng liên tiếp từ tháng 7 đến tháng 10/2021, nhất là trong bối cảnh ca nhiễm Covid tăng cao cùng sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tỷ lệ hấp thụ cao
Số liệu báo cáo quý III/2021 của Bộ Xây dựng cho thấy, bất động sản (BĐS) công nghiệp phía Nam trầm lắng, không có nguồn cung mới và giá thuê không tăng. Toàn thị trường không ghi nhận giao dịch nào đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy khoảng 85 - 87%.
Trong khi đó, do kiểm soát dịch tốt hơn, thị trường phía Bắc vẫn ghi nhận sôi động cùng nhiều nguồn cung mới, giá thuê trở lại đà tăng nhanh. Giá đất công nghiệp trung bình toàn khu vực miền Bắc đạt 108 USD/m2, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Một báo cáo mới đây Savills vừa phát hành cho biết, bất chấp những thách thức đặt ra bởi tình hình đại dịch, tỷ lệ lấp đầy BĐS công nghiệp ở một số tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Bắc nhìn chung vẫn ổn định. Tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn khu vực là 87% trên tổng diện tích đất Khu công nghiệp (KCN) và diện tích cho thuê 20.567 ha, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Bắc Ninh và Hà Nội tiếp tục là hai thị trường dẫn đầu toàn khu vực.
Thực tế điều này đã chứng minhh, với 15 dự án, Bắc Ninh dẫn đầu vùng KTTĐ miền Bắc với tổng diện tích khu công nghiệp là 5.797 ha và đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình năm 2021 là 99%. Đây cũng là tỉnh có nhiều dự án được phê duyệt nhất trong quý I/2021 với 5 KCN sắp triển khai. Nổi bật nhất là KCN Quế Võ III có diện tích 208,54 ha với tổng vốn đầu tư 120,9 triệu USD, KCN Gia Bình II diện tích 250 ha với 172,2 triệu USD tổng vốn đầu tư.
Tương tự, nguồn cung nhà xưởng và nhà kho của Bắc Ninh cũng cao hơn toàn vùng ở mức 10,25% so với tổng nguồn cung của cả nước. Theo sau là Hải Phòng đạt 7,61%, Hải Dương 4,78% và Thái Nguyên 4,61%.
Tiếp đến là Hà Nội, khu vực này chứng kiến tỷ lệ lấp đầy tăng nhẹ 1%, đạt 91% với 13 dự án và đứng thứ hai toàn vùng. Hải Dương với sức tăng là 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tỷ lệ lấp đầy là 86% với 10 dự án. Vĩnh Phúc và Hưng Yên cùng ở mức cao hơn là 88%.
Về giá thuê, trung bình, giá thuê đất tăng 9,89% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 100 USD/m2. Giá tại Hà Nội vẫn chiếm vị trí cao nhất với giá đạt 129 USD/m2. Các thị trường khác ghi nhận mức giá tăng với Bắc Ninh là 106 USD/m2, Hải Phòng tăng thành 101 USD/m2 và Hải Dương đạt 79 USD/m2...
Trải thảm đỏ
Một trong những điểm thu hút của vùng KTTĐ phía Bắc nói chung là nằm ở mạng lưới giao thông phát triển, đất công nghiệp đắc địa được hỗ trợ bởi nhiều cơ sở hạ tầng mới.
Liên quan đến điểm sáng BĐS công nghiệp Bắc Ninh, theo ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam, mặc dù tính hết quý II/2021, tỉnh này có vốn FDI đăng ký mới ngành sản xuất khiêm tố với 5,38% tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam (trong khi đó Quảng Ninh chiếm 17,8%, Bắc Giang 10,91%), nhưng có vị trí trung tâm của vành đai kinh tế miền Bắc.
Còn ông Lê Huy Đông, Quản lý Bộ phận Dịch vụ BĐS Công nghiệp, Savills Hà Nội nhận định, do Bắc Ninh là một tỉnh có nhiều chính sách thu hút “đại bàng” đến “làm tổ”, như thủ tục nhanh gọn, ưu đãi thuế phí… Bên cạnh đó, Bắc Ninh còn là khu vực có nguồn nhân công chất lượng cao, vị trí địa lý thuận lợi để di chuyển đến sân bay Nội Bài, biên giới Việt – Trung, cảng biển Hải Phòng…
Về nguồn cầu, nhu cầu tại đây vẫn rất lớn, nhiều doanh nghiệp FDI đã chọn Bắc Ninh làm “đại bản doanh” như Samsung, Canon... Tuy nhiên, hiện nguồn cung đất KCN không còn nhiều, các dự án mới được phê duyệt đều đang được triển khai một phần. Do đó, hiện giá thuê tại đây tăng cao, tiệm cận với giá thuê tại Hà Nội.
Đánh giá chung về tiềm năng phát triển của các khu công nghiệp miền Bắc, ông Lê Huy Đông nhìn nhận, mặc dù miền Nam là đầu tàu kinh tế của Việt Nam nhưng các doanh nghiệp FDI mới vào Việt Nam sẽ có sự cân nhắc tìm kiếm đất thuê ở khu vực miền Bắc do mức giá thuê hợp lý hơn và nguồn cung tương lai tương đối dồi dào.
Ông Đoàn Duy Hưng, Tổng giám đốc CTCP Xúc tiến đầu tư khu công nghiệp Việt Nam (IIP Việt Nam) đánh giá, chính sự thay đổi quan điểm của Chính phủ Việt Nam từ Zero Covid sang “chung sống an toàn với dịch bệnh” đã “xoá tan” sự băn khoăn của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn và quyết định đầu tư hay rót thêm vốn đầu tư.
Do đó, dòng vốn đầu tư vào BĐS công nghiệp là thực tế, tuy nhiên có sự phân hoá về vùng miền khi miền Nam bị ảnh hưởng nặng nề, còn miền Bắc hồi phục sản xuất sớm. Đặc biệt, trong những ngày đầu dịch bệnh lần thứ 4, Bắc Ninh cùng với Bắc Giang có biện pháp chống dịch tích cực nhất, đã tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư.