Bản đồ thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp trong đại dịch lại được xướng tên, khi số liệu của CBRE Việt Nam vừa công bố, trong 9 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp (KCN) tại 5 tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng đạt 78,5%, tăng 0,5 đpt theo năm. Tương tự, tỷ lệ lấp đầy tại bốn tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Nam đạt 87,2%, tăng 0,2% theo năm.
Trong quý III/2021, nhu cầu thuê đất và kho/xưởng xây sẵn ghi nhận sụt giảm nhẹ do hạn chế di chuyển giữa các thành phố và các chuyến bay nước ngoài. Tuy nhiên, CBRE kỳ vọng thị trường sẽ sôi động trở lại sau khi các hạn chế về di chuyển được dỡ bỏ dần trong quý IV/2021.
Xu hướng di chuyển ra các tỉnh thành phụ cận TP.HCM và Hà Nội của các KCN và khách thuê ngày càng rõ ràng hơn khi giá thuê đất tại các trung tâm công nghiệp này đang cao hơn gấp đôi các tỉnh thành phụ cận, trong khi quỹ đất công nghiệp không còn nhiều.
Hoạt động của xưởng và kho xây sẵn duy trì ở mức ổn định theo năm do nguồn cung lớn được đưa vào hoạt động trong năm 2019 và 2020. Bên cạnh đó là sự tăng trưởng mạnh của các công ty thương mại điện tử và logistics kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã thúc đẩy nhu cầu về không gian lưu trữ và cơ sở phân phối.
Theo báo cáo Khảo sát khách thuê châu Á-Thái Bình Dương của CBRE, các nhà kho tại khu vực vệ tinh gần/trong phạm vị đô thị lớn được dự kiến sử dụng nhiều nhất trong ba năm tới do các chi phí vận tải và nhân công tăng cao đi kèm với tác động của Covid-19.
Với sự thay đổi mạnh mẽ trong đại dịch, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã trở thành cơ hội hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Khó khăn vừa qua cho thấy sự cần thiết trong việc đa dạng địa điểm sản xuất, mở rộng kho hàng và đặc biệt là nhóm kho lạnh cho hàng hóa thực phẩm, nông sản.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam đánh giá, về triển vọng của thị trường, các khó khăn trong ngắn hạn sẽ sớm được giải quyết, thị trường duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn với kế hoạch mở rộng của các nhà máy nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
“Việt Nam được đánh giá là thị trường quan trọng trong ba năm tới của các chủ đầu tư và khách thuê công nghiệp và kho vận”, bà Thanh nói.
Đánh giá về loại hình BĐS này, ông Trương Anh Tú, Phó Tổng giám đốc PropertyX, Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nền nhưng BĐS công nghiệp vẫn duy trì sản xuất khá tốt, trừ 1 số tỉnh thực hiện Chỉ thị 16. Nếu có, việc dịch chuyển đơn hàng hiện chỉ mang tính tạm thời và chưa có doanh nghiệp FDI nào rời Việt Nam.
Lợi thế của Việt Nam vẫn giữ nguyên, ngoài chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam còn có yếu tố 13 Hiệp định thương mại đã được ký kết và 3 Hiệp định đang đàm phán quốc gia khác. Do đó, BĐS công nghiệp Việt Nam vẫn có triển vọng sáng, tác động của Covid là ngắn hạn, BĐS công nghiệp có kháng thể tốt trong cơn bão dịch bệnh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhìn nhận, BĐS công nghiệp là cuộc chơi cho các tổ chức lớn. Đây là loại hình dẫn dắt BĐS Việt Nam trong thời gian tới vì loại hình này được hưởng lợi từ chiến tranh thương mai Mỹ - Trung và chủ trương đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.
Giai đoạn vừa qua Việt Nam chứng kiến các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam như Tập đoàn Quantum (Mỹ) cam kết đầu tư vào Việt Nam với các dự án có tổng giá trị từ 20 - 30 tỷ USD trong2-3 năm tới. Đặc điểm là các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam dài hạn, không phụ thuộc thay đổi bởi yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh.
“Vì vậy, xét tổng thể hiện BĐS công nghiệp vẫn là loại hình hoạt động tốt, vẫn nằm trong xu thế chung phát triển”, ông Quốc Anh nhắc lại.