Theo báo cáo của Pacific Airlines gửi đến Cục Hàng không Việt Nam, hãng sẽ hoàn trả lượt cất hạ cánh (slot) không sử dụng khi tạm dừng bay, chậm nhất ngày 26/3.
Sắp tới, Pacific Airlines sẽ thuê 3 máy bay của Vietnam Airlines nhằm duy trì số lượng tàu tối thiểu - điều kiện duy trì giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC). Do vậy, hãng này đề xuất Cục Hàng không xem xét cho họ giữ slot lịch sử với các lượt cất hạ cánh hoàn trả để sử dụng trong các mùa sau khi đội bay tăng thêm.
Đồng thời, hãng bay cũng đề nghị cho phép họ có cơ chế trả - nhận slot trong giai đoạn này để sử dụng hiệu quả các slot của Pacific Airlines khai thác.
Bên cạnh đó, Pacific Airlines cũng khẳng định khách hàng bị ảnh hưởng do chuyến bay tạm ngưng đã được chuyển sang bay Vietnam Airlines. Đến nay, không có bất kỳ khiếu nại nào của khách.
Trước đó, ngày 18/3, Pacific Airlines đã tạm ngưng khai thác do không còn máy bay. Hãng đã xóa nợ thành công 220 triệu USD, tương đương hơn 5.000 tỷ đồng với chủ nợ là đối tác cho thuê máy bay. Đổi lại, hãng phải hoàn trả tất cả tàu đang khai thác tại Việt Nam.
Ngay sau đó, Cục Hàng không đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Pacific Airlines hoàn trả các slot không sử dụng trong giai đoạn tái cơ cấu. Cùng với đó, nhấn mạnh vấn đề quan trọng là hãng khẩn trương thực hiện tái cơ cấu đội bay, đưa tàu vào khai thác trở lại trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, Cục Hàng không yêu cầu hãng đảm bảo quyền lợi khách đã mua vé, hoàn trả tiền vé cho khách, không thu bất kỳ khoản phí nào trong trường hợp chuyến bay bị hủy và khách không có nhu cầu sử dụng dịch vụ nào của Pacific Airlines trong giai đoạn tạm dừng khai thác.
Hãng hàng không Pacific Airlines ra đời vào năm 1991 do Vietnam Airlines và Saigontourist sáng lập và đồng sở hữu, tổng số vốn ban đầu 40 tỷ đồng.
Sau nhiều năm kinh doanh bết bát và thua lỗ, đầu năm 2005, Chính phủ buộc phải chuyển 86,49% vốn Nhà nước về Bộ Tài chính quản lý và tái cơ cấu. Đến tháng 8/2006, tiếp tục chuyển về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) điều hành.
Đến tháng 4/2007, Pacific Airlines bất ngờ "bén duyên" với Qantas Airways. Khi đó, hãng hàng không đến từ Australia ký hợp đồng đầu tư với SCIC về việc mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines.
Đến đầu năm 2012, trước bờ vực phá sản, Thủ tướng giao Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn nhà nước tại SCIC và thực hiện tái cơ cấu Jetstar Pacific lần thứ hai.
Ngày 15/6/2020, Qantas chính thức rút vốn khỏi Jetstar Pacific, Vietnam Airlines sở hữu 98% cổ phần của hãng hàng không giá rẻ. Jetstar Pacific trở về với với thương hiệu cũ Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện mới.