Tạm giữ hàng nghìn thiết bị đo nồng độ oxy và nhịp tim không rõ nguồn gốc xuất xứ

Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên và Đội Chống buôn lậu - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp kiểm tra và tạm giữ 3.000 thiết bị đo nồng độ oxy và nhịp tim không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nguồn tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, ngày 12/9/2021, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên phối hợp với Đội Chống buôn lậu - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành khám phương tiện là xe ô tô tải biển kiểm soát 29C-051.57 do ông Hàn Văn Mạnh, sinh năm 1998 có địa chỉ thường trú: Thôn 8, xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa điều khiển. Lực lượng liên ngành phát hiện trên xe vận chuyển 3.000 chiếc máy đo nồng độ oxy trong máu và nhịp tim (loại kẹp ngón tay) không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hàng nghìn thiết bị y tế không rõ nguồn gốc được lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên phát hiện và thu giữ
Hàng nghìn thiết bị y tế không rõ nguồn gốc được lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên phát hiện và thu giữ

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa và cho biết chỉ là lái xe thuê vận chuyển hàng hóa từ khu vực chân cầu Thanh Trì, Thành phố Hà Nội về Hưng Yên để giao cho khách hàng. Hiện lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiến hành xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Tiền Giang, ngày 19/9/2021 tại chốt kiểm soát dịch bệnh cầu Mỹ Lợi thuộc xã Bình Đông, thị xã Gò Công, Đội Quản lý thị trường số 2 của tỉnh này phát hiện ô tô tải biển kiểm soát 54T. 7648 có nghi vấn hàng hóa vận chuyển trên xe có dấu hiệu vi phạm. Ngay sau đó lực lượng này đã phối hợp cùng Đội Cảnh sát giao thông – Công an thị xã Gò Công thực hiện thủ tục khám toàn bộ thùng xe của phương tiện. Tại thời điểm khám, phát hiện trên xe có 24 cái máy đo nồng độ oxy trong máu SPO2 hiệu Pulse Oximeter do Trung Quốc sản xuất có hóa đơn chứng từ hợp pháp; trị giá hàng hóa gần 30 triệu đồng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế thì lô hàng trên có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Hàng hóa được vận chuyển theo hướng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi giao hàng tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Bạc Liêu.

Đội QLTT số 2 lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ hàng hóa là Chi nhánh Công ty TNHH I.S Việt Nam, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh về hành vi hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...