Theo đó, ngày 14/9, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Cà Mau kết hợp các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra 2 ô tô tải đang tập kết hàng hóa tại khu vực khóm 5, phường 6, thành phố Cà Mau.
Tại hiện trường, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện 163 kiện hàng hóa là vật tư, trang thiết bị y tế không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, có trên 90.000 sản phẩm là thuốc tây, thực phẩm chức năng, que test nhanh Covid-19; khẩu trang, găng tay y tế, kính chắn giọt bắn, dung dịch sát khuẩn. Số hàng hóa này đã bị lượng làm chức năng lập biên bản, tạm giữ để xác minh làm rõ.
Cùng ngày, tại một kho hàng tại thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan TPHCM, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội), Cục Cảnh sát kinh tế (C03, Bộ Công an) kiểm tra đồng loạt 15 kiện hàng có dấu hiệu vi phạm.
Trên vận đơn hàng hóa được thể hiện là thực phẩm nhưng thực tế kiểm tra lực lượng Hải quan thu giữ hơn 60.000 viên thuốc được dùng trong điều trị Covid-19 như: Favipiravir Tablets 200 mg; Favipiravir Tablets Fabiflu 400 mg; Baricitinib; Molnupiravir Capsules…
Trong vụ việc này, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức để cố tình nhập lậu số thuốc nêu trên. “Các đối tượng không vận chuyển trực tiếp lô hàng từ Ấn Độ về Hà Nội mà chuyển về sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) sau đó chuyển tiếp ra sân bay Nội Bài trên một chuyến bay nội địa”, một công chức Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc chia sẻ.
Ông Lê Dũng Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh - Cục Hải quan Hà Nội cho biết, các đối tượng còn sử dụng chiêu thức chia nhỏ lô hàng và khai báo dưới hình thức quà biếu, quà tặng để nhập lậu số lượng lớn hoặc khai báo sai tên hàng.
Liên quan đến hành vi lợi dụng loại hình quà biếu, quà tặng nhập lậu thuốc điều trị Covid-19 và thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, ngày 27/8, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra thực tế 4 lô hàng vi phạm, phát hiện 180 bộ kit test nhanh Covid-19 và 330 hộp thuốc Arbidol - mặt hàng được quảng cáo trên thị trường dùng trong điều trị Covid-19.
4 lô hàng nhập khẩu từ Nga về sân bay quốc tế Nội Bài ngày 17 và 24/8 theo loại hình quà biếu, tặng. Trên thông tin vận đơn và khai báo hải quan hàng hóa thể hiện là hàng gom, quà tặng, thiết bị rèn luyện thể chất, lọ hoa bằng thủy tinh, đầu đọc đĩa CD, khung tranh bằng gỗ, đèn trang trí, rèm…
Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc Vũ Quang Toàn thông tin, trước diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát các mặt hàng liên quan đến thuốc điều trị Covid-19, thiết bị và vật tư y tế phòng, chống dich.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ như: nắm chắc địa bàn, phối với các đơn vị hải quan địa phương và các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ các lô hàng nghi vấn và kịp thời phát hiện, bắt giữ các lô hàng vi phạm.
Ngoài 2 vụ việc liên quan đến hàng quà biếu, quả tặng nêu trên, , ngày 17-18/8, tại một kho hàng ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra hàng hóa thuộc 2 tờ khai có dấu hiệu nghi vấn.
Hàng hóa được vận chuyển trên chuyến bay từ Ấn Độ về sân bay quốc tế Nội Bài và mở tờ khai nhập khẩu trong các ngày 13/8 và 15/8. Theo khai báo hải quan, hàng hóa là hàng mẫu và thực phẩm bổ sung. Trong đó một tờ khai được mở theo loại hình phi mậu dịch, một tờ khai mở theo loại hình nhập kinh doanh tiêu dùng.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra lực lượng Hải quan thu giữ gần 1.500 hộp thuốc Favipiravir Tablets, đây là hàng hóa nhập khẩu có điều kiện nhưng thời điểm kiểm tra không có giấy tờ theo quy định. Được biết, Favipiravir Tablets là thuốc kháng virus do Ấn Độ sản xuất.
Doanh nghiệp đứng tên trên tờ khai nhập khẩu là Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Nhất Quang có trụ sở tại TP Nam Định (tỉnh Nam Định).
Đáng chú ý, thời điểm mở tờ khai nhập khẩu Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Nhất Quang mới được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định cấp giấy phép đăng ký kinh doanh chưa đầy một tháng.
Theo ông Vũ Quang Toàn, thuốc, thiết bị, vật tư y tế là những mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế và được quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, bởi liên quan đến sức khỏe, tính mạng nhân dân. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, nhu cầu trong nước tăng cao nên một số cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận đã tìm nhiều thủ đoạn để nhập lậu.
Thời gian tới, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc tiếp tục tăng cường kiếm soát các mặt hàng, loại hình, địa bàn trọng điểm… và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành để phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiệm các vụ việc vi phạm, nhất là kịp thời có văn bản cảnh báo cho các cục hải quan địa phương.