Tăng phí dịch vụ SMS Banking: Giải pháp hay chiêu “tận thu” của các ngân hàng?

Việc tăng giá dịch vụ SMS Banking được các ngân hàng lý giải với mục đích điều hướng người dùng sang nhận số dư qua app. Tuy nhiên, việc điều hướng chưa rõ hiệu quả hay không mà chỉ thấy thiệt cho người không thể dùng điện thoại thông minh và chất lượng tin nhắn brandname vẫn chưa được cải thiện...

sms-banking-1200x675-9404.jpeg
Tăng phí dịch vụ SMS: Giải pháp hay chiêu trò của các ngân hàng?

Phản ánh tới Thương Gia, nhiều khách hàng bày tỏ sự bức xúc khi họ bất ngờ bị thu phí SMS Banking với mức cao, lên đến hàng trăm nghìn đồng trong một tháng. Trên các diễn đàn hay thậm chí bên dưới fanpage của nhiều ngân hàng, rất nhiều người đã để lại những bình luận "phẫn nộ".

SMS BANKING: MỖI NGÂN HÀNG MỘT PHÁCH

Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo từ 1/1/2024 sẽ thực hiện điều chỉnh phí thông báo biến động số dư qua SMS.

Cụ thể, nếu khách hàng sử dụng từ 20 tin nhắn SMS trở xuống trong tháng, mức phí vẫn giữ nguyên là 10.000 đồng/số điện thoại/tháng (chưa VAT). Nếu dùng trên 20 tin nhắn SMS trong tháng, mức phí sẽ bằng số tin nhắn SMS thực tế phát sinh nhân với đơn giá 700 đồng/SMS (chưa VAT).

Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ không gửi tin nhắn SMS thông báo thay đổi số dư đối với các giao dịch có giá trị dưới 50.000 đồng mà chuyển qua thông báo trên ứng dụng (app) VCB Digibank.

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng lớn trên thị trường trên thị trường đã áp dụng chính sách phí thông báo biến động số dư qua SMS dựa trên số lượng tin nhắn SMS thực tế khách hàng nhận được hàng tháng.

Các ngân hàng cũng áp dụng chính sách chuyển đổi thông báo các giao dịch giá trị thấp qua ứng dụng ngân hàng thay vì tin nhắn SMS như trước.

Thông tin thêm về chính sách phí mới, đại diện Vietcombank cho biết khoảng 70% khách hàng sử dụng dịch vụ SMS chủ động không bị ảnh hưởng, do mức phí đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 20 SMS/số điện thoại/tháng trở xuống giữ nguyên như trước đây (10.000 đồng/tháng/số điện thoại).

anh-chup-man-hinh-2023-12-15-luc-210620-5896.png

Đây không phải lần đầu các ngân hàng đua nhau điều chỉnh phí dịch vụ SMS banking. Trước đó, loạt ngân hàng lớn như Vietinbank, BIDV, VPBank, Bac A Bank, BV Bank… đã điều chỉnh phí dịch vụ thông báo số dư qua SMS theo bậc thang hoặc theo số lượng SMS sử dụng thực tế thay vì chính sách một mức phí chung cho toàn bộ các khách hàng như trước.

Ngân hàng VietinBank trước đó có thông báo phí SMS Banking giữ nguyên ở mức 10.000 đồng với tài khoản nhận dưới 14 tin nhắn/tháng. Nếu số lượng SMS biến động số dư từ 15 tin trở lên, phí SMS Banking tính trên mỗi tin nhắn là 880 đồng/tin nhắn.

Trong khi đó, khách hàng Sacombank có số lượng tin nhắn SMS phát sinh dưới 30 tin nhắn, mức phí áp dụng là 15.000 đồng/tháng/số điện thoại.

Nếu trên 30 tin nhắn, Sacombank sẽ thu theo số lượng tin nhắn với số tiền 500 đồng/tin nhắn và mức phí thu tối đa là 500.000 đồng/tháng/số điện thoại (chưa bao gồm VAT).

Còn tại VPBank mức phí cũng được tính theo số lượng tin nhắn nhận hàng tháng thay vì thu đồng loạt theo một mức cố định như trước (12.000 đồng/số tài khoản/thuê bao).

Theo đó, mức phí dành cho số lượng tin nhắn từ 0 -15 tin nhắn/tài khoản/1 số điện thoại là 10.000 đồng/tháng; từ 15-30 tin nhắn là 20.000 đồng/tháng; từ 31-50 tin nhắn là 30.000 đồng/tháng; từ 51-100 tin nhắn là 50.000 đồng tháng và từ 101 tin nhắn trở lên là 70.000 đồng/tháng. Biểu phí này chưa bao gồm VAT. Ngoài ra, các giao dịch có giá trị dưới 100.000 đồng (mức giao dịch tối thiểu) sẽ không nhận thông báo biến động số dư về điện thoại mà nhận trực tiếp qua app.

Lý giải về việc tăng phí sử dụng SMS Banking, nhiều ngân hàng cho biết đang phải chịu lỗ từ dịch vụ này do phải trả phí SMS cho nhà mạng với mức giá đắt gấp 3 lần so với thông thường. Cũng theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, với số lượng tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động lên tới cả trăm đơn vị, chi phí viễn thông do cả hệ thống ngân hàng trả cho các nhà mạng lên tới vài trăm tỷ đồng/tháng.

Các ngân hàng còn cho rằng, việc tăng phí SMS Banking nhằm khuyến khích khách hàng chuyển qua nhận thông báo miễn phí trên ứng dụng (app) ngân hàng.

THU “MỘT ĐỐNG” PHÍ NHƯNG VẪN KHÔNG ĐỦ BÙ LỖ?

Trước động thái tăng phí SMS “tốc biến” của các ngân hàng, nhiều người dân tỏ ra bức xúc khi chỉ nhận thông báo biến động số dư mà hàng tháng phải "ngốn" đến vài chục nghìn đồng, một số khách hàng cho biết họ sẽ hủy dịch vụ nhận qua SMS.

Việc thu SMS Banking theo hình thức lũy tiến tại một số ngân hàng thực chất mang tính điều hướng khách hàng sang dùng tính năng trên ứng dụng. Tuy nhiên, với những người dùng không sử dụng điện thoại thông minh, đặc biệt những người lớn tuổi, việc chuyển đổi này cũng gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Sơn (56 tuổi, Vĩnh Phúc) cho biết, nhiều năm nay ông vẫn nhận thông báo biến động số dư tài khoản thông qua tin nhắn vì không biết sử dụng điện thoại thông minh. Mọi hoạt động gửi tiền, ông đều phải trực tiếp ra tận ngân hàng để giao dịch.

“Tôi buôn bán hàng ăn mưu sinh, không thành thạo giao dịch qua các ứng dụng trên điện thoại của ngân hàng. Một ngày có hàng chục, thậm chí hàng trăm tin nhắn biến động số dư, nếu thu mấy trăm đồng một tin nhắn như vậy thì rất tốn kém”.

Không chỉ riêng ông Sơn, nhiều người cũng có “bức xúc” tương tự, việc tăng phí có thể là cần thiết vì các ngân hàng phải trả phí cho nhà mạng. Tuy nhiên, kinh doanh cần cân đối nhiều khoản, chứ không phải cứ chi phí nào tăng là đổ ngay cho người tiêu dùng. Nhiều ngân hàng lãi lớn hoàn toàn nên cân nhắc chia sẻ với người tiêu dùng chi phí SMS Banking.

Không những vậy, nhiều khách hàng cho biết, họ còn "bắt gặp" những tin nhắn SMS Brandname giả mạo ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Điều này cũng đặt ra nghi vấn lớn: "Liệu SMS Banking của các ngân hàng có thật sự ưu việt? Hay đây chính là cơ hội có kẻ xấu hành động?"

Rà soát lại cho thấy, có ngân hàng tăng phí ít, có ngân tăng phí nhiều, có ngân hàng thì lại miễn phí đối với dịch vụ “oái oăm” này. Cụ thể, phần lớn là các ngân hàng nước ngoài như HSBC, Hong Leong Bank không thu loại phí này.

Do đó, dư luận cũng đặt ra câu hỏi: “Các ngân hàng thương mại thu nhiều khoản tiền từ phí rút tiền, phí chuyển tiền, phí duy trì tài khoản… vẫn không đủ bù lỗ, những ngân hàng nước ngoài không thu mà họ có than đâu?”.

Thậm chí, có ngân hàng như Agribank còn "tận thu" bằng cách yêu cầu khách hàng chi tiền dù chỉ nhận thông báo số dư qua app.

Từ vấn đề trên, người tiêu dùng cho rằng, các ngân hàng và nhà mạng cần ngồi lại với nhau để đưa ra các giải pháp “vẹn toàn đôi bên”, hướng tới việc đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...