Như vậy, từ tháng 7 tới, mỗi lít xăng có thể sẽ “cõng” thêm 1.000 đồng tiền thuế; mỗi lít dầu là 1.100 đồng.
Lòng vòng để tăng thuế
Đề xuất sửa Luật Thuế BVMT bị phản ứng dữ dội trong suốt 2 năm từ khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính nhiều lần lặp đi lặp lại quan điểm tăng khung nhưng chưa phải để tăng thuế. Tuy nhiên, khi việc sửa luật để tăng khung phải tạm hoãn, Bộ Tài chính lập tức chuyển sang đề xuất tăng thuế BVMT lên kịch khung ngay, dù chỉ năm sau (2019) luật tiếp tục được đưa ra bàn thảo.
Bộ Tài chính cho hay, sau khi lấy ý kiến, đã có 60 bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cho ý kiến với Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế BVMT. Trong số các ý kiến góp ý, Bộ Tài chính cho hay, có 40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn, một số ý kiến còn lại dù cơ bản đồng ý, nhưng đề nghị giải thích thêm, hoặc đề xuất mở rộng.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, tăng thuế BVMT với xăng từ 3.000 đồng/lít lên tối đa 4.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay do đang áp thuế BVMT ở mức kịch khung là 3.000 đồng/lít, nên không thể tăng thêm.
Riêng dầu hỏa, ở dự thảo đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên mức thuế BVMT là 300 đồng/lít, tức mức sàn trong khung thuế. Tuy nhiên, sau khi có ý kiến đề nghị tăng kịch khung, lập tức Bộ Tài chính tiếp thu và đề xuất lại tăng thuế BVMT với dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên mức kịch khung 2.000 đồng/lít. Trong khi đó, với các đề xuất góp ý khác, như cần tăng thuế BVMT có lộ trình, hoặc tăng ở mức thấp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đều không chấp thuận.
Hiện giá bán lẻ xăng E5 là 18.932 đồng/lít (tăng từ ngày 7/4), mỗi lít xăng phải chịu các loại thuế, phí như: Thuế nhập khẩu (xăng khoáng), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng tại cửa khẩu, thuế bảo vệ môi trường (3.000 đồng/lít); trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; thuế giá trị gia tăng tính trên tổng giá bán (10%), lợi nhuận định mức... Tổng các loại thuế, phí trên chiếm khoảng 8.500 đồng/lít xăng. Với việc tăng thuế BVMT với xăng lên 4.000 đồng/lít (tăng 1.000 đồng), riêng tiền thuế, phí người tiêu dùng phải đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 9.000 đồng/lít, tương đương gần một nửa giá bán lẻ xăng.
Cố để đạt được mục đích tăng thuế
Ông Trần Thế Truyền, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) góp ý, đề xuất tăng thuế BVMT với xăng khoáng như trên, giá xăng E5 chỉ thấp hơn xăng khoáng 200 đồng/lít. Theo đó, mức chênh lệch trên quá thấp, sẽ không khuyến khích sản xuất, sử dụng xăng E5. Thay vào đó, có thể ưu đãi thuế BVMT trên xăng E5 thấp hơn xăng khoáng thêm ít nhất 500 đồng/lít (chưa kể phần chênh lệch hiện nay là 150 đồng/lít). Nếu như vậy, giá bán lẻ xăng E5 sẽ thấp hơn giá xăng A95 2.000 - 2.500 đồng/lít. “Giải pháp này sẽ khuyến khích người dân sử dụng xăng E5, vì giá rẻ hơn xăng khoáng nhiều; tạo đồng thuận nhưng vẫn không giảm thu ngân sách. Ngoài ra, người sử dụng xăng E5 chủ yếu thu nhập thấp nên rất cần được bảo vệ”, ông Truyền góp ý.
Tuy vậy, Bộ Tài chính lập luận, hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng E5 là 8%, đã thấp hơn với xăng khoáng và thuế BVMT chỉ thu với phần xăng khoáng (xăng khoáng chiếm 95% thành phần xăng E5). Do đó, thuế với xăng E5 sẽ thấp hơn xăng khoáng 200 đồng/lít, đã tạo ra chênh lệnh giá hợp lý. “Nên quy định thuế BVMT ưu đãi với xăng E5 là chưa phù hợp”, Bộ Tài chính khẳng định quan điểm.
Cũng có ý kiến đề nghị điều chỉnh thuế BVMT với dầu mazut tăng từ 900 đồng/lít lên 1.200 - 1.500 đồng/lít (thay vì tăng lên 2.000 đồng/lít), để giảm ảnh hưởng tới giá đầu vào của doanh nghiệp sản xuất sử dụng dầu như doanh nghiệp điện, sản xuất kính, gốm sứ... Nhưng Bộ Tài chính không nghĩ vậy. Theo đơn vị soạn thảo, dầu mazut gây ô nhiễm môi trường lớn, độc hại nên cần hạn chế sử dụng, dự thảo đưa ra đã hợp lý.
Giải trình về ý kiến cho rằng, cần tăng thuế BVMT có lộ trình tới năm 2020, để phù hợp với từng giai đoạn phát triển, Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng kịch khung ngay đã phù hợp với chính sách trong từng thời kỳ, và vì xăng dầu tác động xấu tới môi trường.
Với ý kiến đề nghị ưu đãi thuế cho xăng, dầu tiêu chuẩn EURO 4 trở lên, để khuyến khích dùng nhiên liệu sạch, Bộ Tài chính cũng bày tỏ ý kiến không đồng tính. Theo đó, bộ này cho rằng, xăng dầu tiêu chuẩn cao còn phụ thuộc vào phương tiện sử dụng mới giảm ô nhiễm và cần các chế tài khác ngoài thuế. Đặc biệt, nếu thu thuế theo tiêu chuẩn nhiên liệu sẽ rất phức tạp, khó khả thi, phải điều chỉnh luật. Bộ Tài chính đã chọn giải pháp dễ hơn, là bảo lưu quan điểm giữ khung thuế bất kể loại xăng, dầu theo tiêu chuẩn gì.
Về vấn đề tăng thuế phí sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, Bộ Tài chính tính toán, với mức đề xuất tăng thuế BVMT với các loại xăng dầu lên kịch trần từ 1/7/2018, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 sẽ tăng hơn tháng 6 liền trước (khoảng 0,27-0,29%; tác động đến giá tiêu dùng bình quân năm 2018 khoảng 0,11-0,15%). Đổi lại, cơ quan soạn thảo cho rằng, việc tăng thuế sẽ khuyến khích sử dụng xăng dầu tiết kiệm và sử dụng hàng hóa thân thiện hơn. Dự kiến, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào ký họp tháng 5 tới, thuế mới sẽ áp dụng từ 1/7/2018.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia về giá - TS Ngô Trí Long cho rằng, các lập luận của Bộ Tài chính đưa ra cho đề xuất tăng thuế của mình chỉ mang tính ngụy biện, lập luận chưa thuyết phục và cố đạt được mục đích tăng thuế. Trong khi đó, theo ông Long, việc tăng thuế luôn ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, kéo giảm tăng trưởng, nên các nước rất ít sử dụng công cụ này, đặc biệt khi chúng ta đang ưu tiên cho tăng trưởng. “Để bù nguồn thu ngân sách thiếu hụt, giải pháp căn cơ là cơ cấu lại phần chi để giảm chi, mở rộng nguồn thu khác, phải nuôi dưỡng nguồn thu, không nhăm nhăm vào thu thuế từ xăng dầu. Các dự báo thời gian tới giá xăng dầu sẽ còn tăng cao, cộng với việc tăng thuế sẽ khiến giá xăng dầu bị đẩy quá mức”, ông Long nói.
Ngoài ra, theo ông Long, năm nay mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%, mới hết quý 1 chỉ số giá tiêu dùng đã tăng hơn 2%, nếu tăng thuế xăng dầu chắc chắn lạm phát sẽ khó giữ. Chưa kể, khi nền kinh tế tăng trưởng sẽ kéo theo lạm phát. “Khi thuế giảm, sản xuất phát triển, lợi nhuận tăng thu thuế sẽ tăng, không cần phải tăng thuế bảo vệ môi trường để tăng nguồn thu. Giai đoạn này chúng ta đang ưu tiên phục hồi tăng trưởng, giờ tăng thuế môi trường với xăng dầu có thể làm mất đà tăng trưởng đó. Bộ Tài chính cần cân nhắc rõ những điều này”, ông Long góp ý.
Trước ý kiến đề nghị xem xét, bổ sung hàng hóa có phát sinh chất thải nguy hại, gây ô nhiễm môi trường như ắc quy, chất tẩy rửa công nghiệp, phốt pho vàng, axit photphoric ... vào đối tượng chịu thuế, Bộ Tài chính cho rằng, việc này cần nghiên cứu và đánh giá tác động cụ thể, nên xin tiếp thu nghiên cứu trong quá trình sửa Luật Thuế BVMT.
Theo Lê Hữu Việt
Tiền phong