Theo thông báo, Tập đoàn Novaland chưa thể thanh toán tiền lãi 26,5 tỷ đồng đối với lô trái phiếu NVLH2224005, hơn 53 tỷ đồng và gốc 1.000 tỷ đồng đối với lô trái phiếu NVLH2123009 so với ngày thanh toán theo kế hoạch là ngày 13/2.
Tập đoàn Novaland cho biết, việc chậm trễ này do doanh nghiệp chưa thu xếp được nguồn tiền thanh toán. Lô trái phiếu NVLH2224005 có giá trị 500 tỷ đồng, được tập đoàn này phát hành vào ngày 16/2/2022 và đáo hạn vào ngày 16/2/2024.
Còn lô trái phiếu NVLH2123009 có tổng giá trị 1.000 tỷ đồng do Tập đoàn Novaland phát hành vào ngày 12/8/2022 và đáo hạn vào ngày 12/2/2023, có lãi suất cố định 10,5% mỗi năm và 6 tháng trả lãi một lần, được bảo đảm bằng cổ phần của Tập đoàn Novaland thuộc sở hữu của bên thứ ba.
Lô trái phiếu NVLH2123009 do Công ty CP Chứng khoán Dầu Khí (PSI) tư vấn. Chứng khoán PSI cũng là tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu và đại lý quản lý tài sản bảo đảm. Mục đích phát hành để Tập đoàn Novaland tăng quy mô vốn hoạt động, qua đó thực hiện góp vốn, hợp tác đầu tư phát triển dự án Khu đô thị tại xã Long Hưng, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và các dự án khác.
Trước đó, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mới đây, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland cho biết, tập đoàn này có 25.000 tỷ đồng đang bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại. Theo các điều kiện tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Tập đoàn Novaland hoàn thiện được một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1 - 2 tháng tới vấn đề này được giải quyết, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động bình thường.
Tập đoàn Novaland là một trong những tập đoàn bất động sản đang chịu sức ép lớn về nguồn vốn. Tập đoàn này đã kiến nghị Chính phút và Nhân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề trái phiếu, tập đoàn này cho rằng, Chính phủ cần ban hành sớm dự thảo sửa đổi Nghị định 65. Việc tháo gỡ pháp lý dự án sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm.
Tập đoàn Novaland cũng là một trong những doanh nghiệp đang thực hiện tái cấu trúc với nhiều giải pháp như đàm phán với chủ nợ và trái chủ để cơ cấu lại lịch trả nợ, tập trung phát triển các dự án trọng điểm và cân nhắc khả năng bán bớt tài sản.
Mới đây, Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland cũng đã có ý kiến bằng văn bản với cổ đông đề nghị được ủy quyền quyết định việc thực hiện tái cấu trúc công ty bao gồm việc thương lượng và triển khai phát hành mới cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, các công ty khác để tăng vốn hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc tài chính (bao gồm cả hoán đổi cổ phần, hoán đổi nợ thành cổ phiếu hoặc tài sản).
Đồng thời, ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định việc thương lượng, điều chỉnh các điều kiện, nội dung liên quan đến các khoản huy động vốn, cơ cấu lại các khoản huy động đã thực hiện; thương lượng, thực hiện mua bán tài sản (bao gồm cả mua bán các khoản đầu tư vào các công ty), hoán đổi tài sản (bao gồm cả hoán đổi nợ, hàng hóa).
Cuối cùng là xin ý kiến việc thông qua bảo lãnh thanh toán cho các công ty con, công ty liên kết có khoản phải trả. Nếu được cổ đông thông qua, Hội đồng quản trị Novaland sẽ có thể nhanh chóng hoàn thành mục tiêu tái cấu trúc đúng như dự định.
Về các dự án trọng điểm, mang tính sống còn giúp cân đối dòng tiền cho Tập đoàn Novaland, ông Nhơn từng cho biết, Khu đô thị Aqua City ở Đồng Nai là dự án tiêu biểu mà tập đoàn này mong Tổ công tác của Thủ tướng thí điểm tháo gỡ khó khăn trong 1 tháng. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ là đầu mối tháo gỡ toàn bộ các khó khăn của Tập đoàn Novaland trong đó có nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, ngân hàng.