Vừa mấy ngày trước, khu vực Quảng An, đường Âu Cơ, Nghi Tàm, bán đảo Hồ Tây, đường Lạc Long Quân... còn rực rỡ đào, quất, các loại hoa, quả trĩu trịt biểu thị cho sự no ấm, đủ đầy, tươi vui cho một năm mới. Rồi mồng 5, 6 Tết, “chợ lê” bỗng lặng lẽ xuất hiện. Những cành lê trắng muốt được gió xuân mơn man, cứ như hàng ngàn vạn con bướm trắng giỡn mình trong nắng. Đi trên phố Hà Nội mà thấy như lạc vào rừng lê trên vùng núi Tây Bắc.
Sức sống của những loài hoa này cũng thật lạ lùng. Từ những cành cây khô khẳng khiu chả có tí lộc nào gọi là, vậy mà khi được cắm vào bình nước trong phòng ấm, vài hôm sau, không chỉ lá non mà cả những nụ hoa trắng muốt bỗng bừng nở! Gian phòng trở nên dịu dàng biết mấy. Xuân đã đến bên ta, tao nhã và tinh khiết như tà áo trắng của cô thiếu nữ còn đang tuổi học trò.
Chị Hạnh sống trên phố Thuỵ Khuê - một người Hà Nội đặc biệt yêu văn chương hội họa - cứ qua mấy ngày tết là lại rước cành lê khoe sắc trắng về nhà, đặt chúng bên những bức tranh quý trong phòng khách của mình. Căn phòng cũng giống như bức tranh xuân đầy chất thơ. Chị bảo, như nhiều người Hà Nội, tết đến chị không chỉ mang về không gian nhà mình sắc hồng của đào, rực vàng của quất mà còn muốn níu Xuân bằng những cành lê với những cánh hoa trắng mỏng manh tinh khiết.
Mọi năm “chợ lê” luôn đông đúc tấp nập, năm nay do dịch bệnh nên nhiều lúc người bán đông hơn người mua. Giá thì "mềm mại ", chỉ cần vài ba trăm ngàn đồng là có được cành hoa ưng ý. Có khi khéo chọn chỉ cần chưa đến trăm ngàn cũng có thể có được bình lê nhỏ xinh đượm không khí núi rừng. Mua nhanh, bán nhanh nên chất thơ trong thú đi “chợ lê” có giảm đi một chút nhưng không vì thế mà hoa lê kém khoe sắc. Nó vẫn khiến người ta xao xuyến lắm.
“Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi..
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Đại thi hào Nguyễn Du