Khu di tích đền Bà Triệu tọa lạc tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 17 km về phía Bắc và thủ đô Hà Nội hơn 140 km về phía Nam. Quần thể khu di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triệu bao gồm: Đền thờ, Lăng tháp và đình làng Phú Điền. Lăng tháp được xây trên đỉnh núi Tùng, là mảnh đất thiêng nơi nữ anh hùng Triệu Thị Trinh ngã xuống khi chiến đấu với quân xâm lược. Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công nhận Lễ hội đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống.
Theo kế hoạch, Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đền Bà Triệu và Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023 sẽ được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Đây là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh nhằm tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của di tích lịch sử đền Bà Triệu, tiềm năng du lịch của địa phương với du khách trong nước và quốc tế. Góp phần đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Theo đó, từ ngày 9/3 – 9/9/2023, tổ chức trưng bày pano ảnh giới thiệu về di sản Văn hóa xứ Thanh: Di sản văn hóa vật thể (di sản thế giới, các di tích Quốc gia đặc biệt, danh lam thắng cảnh, bảo vật quốc gia) và Di sản Văn hóa phi vật thể (một số lễ hội của tỉnh đã được công nhận); di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu - Lễ hội đền Bà Triệu; các di tích tiêu biểu của huyện Hậu Lộc tại Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu.
Lễ khai mạc bắt đầu từ 8h00, ngày 11/3/2023 (tức ngày 20/02 năm Quý Mão) tại khuôn viên khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) với các nghi thức truyền thống gồm lễ trình cáo, tế lễ, lễ yên vị và dâng hương tại Đền Bà Triệu, lăng mộ Bà Triệu trên núi Tùng, lăng mộ ba ông tướng họ Lý dưới chân núi Tùng, đền Đệ Tứ, miếu Bàn thề, đình làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc); rước kiệu Bà, trình tấu Chúc văn trên đền Bà...
Tiếp đó là phần hội với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, khẳng định vai trò và dấu ấn của nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh cũng như tác động mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu trên quê hương Thanh Hóa.
Ngoài ra, tại lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu còn có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc cùng hoạt động trưng bày hiện vật, sách báo, tranh ảnh giới thiệu về di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu, các di tích lịch sử nổi tiếng xứ Thanh…
Lễ hội Đền Bà Triệu là một lễ hội lớn, một hoạt động văn hóa tâm linh quý giá, phản ánh sức mạnh tinh thần, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh khí phách anh hùng và sự biết ơn của đất nước đối với anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, người phụ nữ đầu tiên được nhà nước phong Thần.
Bà Triệu, sử cũ ghi là triệu Âu, huý là Trinh, Nhân dân thường gọi là Triệu Thị Trinh hay Triệu Trinh Nương. Bà sinh ngày 2/10, năm Bính Ngọ (226) ở vùng miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hóa) mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với anh trai là Triệu Quốc Đạt. Lớn lên, bà là người giỏi võ nghệ, chí lớn chẳng kém nam nhi. Khi 19 tuổi, bà đã có câu nói nổi tiếng: "Tôi muốn cưỡi gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Ðông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta".
Vào năm Mậu Thìn (248), thấy quan lại nhà Đông Ngô - Trung Quốc tàn ác, làm hại dân lành, Bà Triệu cùng anh trai chiêu mộ hơn nghìn tráng sĩ dấy binh khởi nghĩa. Nhưng chẳng bao lâu Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời. Các nghĩa binh thấy Triệu Thị Trinh giỏi giang, can đảm, bèn tôn làm chủ tướng. Khi ra trận, Bà Triệu mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi rất uy nghi, mạnh mẽ. Do lực lượng quá chênh lệch cùng nhiều mưu mô thâm hiểm của quân địch khiến nghĩa quân của nữ tướng thất bại. Bà Triệu tuẫn tiết tại núi Tùng (Hậu Lộc) vào ngày 22/2, năm Mậu Thìn (248). Để tri ân nữ anh hùng kiệt xuất Triệu Thị Trinh và tưởng nhớ đến các vị tướng lĩnh tài ba, nhân dân đã xây dựng lăng mộ và lập đền thờ Bà Triệu. Để chiến công ấy, hình ảnh ấy mãi mãi in đậm trong lòng bao thế hệ mai sau.
Đền thờ Bà Triệu được quy hoạch trên diện tích 3,83 ha nằm ngay dưới chân núi Gai. Đây là công trình kiến trúc quan trọng và có giá trị bậc nhất trong quần thể di tích Bà Triệu. Đền được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” và được đánh giá là một trong những di tích có cảnh quan, kiến trúc đẹp nhất xứ Thanh. Đi từ ngoài vào là Nghi môn ngoại với khối kiến trúc tứ trụ bằng đá nguyên khối, qua Nghi môn ngoại là một không gian xanh mướt cỏ cây, hài hòa với các khối kiến trúc được “sắp đặt” như Ao Sen, Bình phong, Nghi môn trung, Nghi môn nội…Ba khối kiến trúc quan trọng nhất trong đền thờ Bà Triệu là Tiền Đường, Trung Đường và Hậu Cung. Trong Đền còn lưu giữ nhiều cổ vật mang giá trị nguyên bản như: 10 cuốn thần phả viết bằng chữ Hán; 65 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam; tượng Bà Triệu bằng đồng; quạt ngà; lược đồi mồi; trâm ngà; long cung sơn son thếp vàng.
Với những giá trị vượt thời gian, năm 2014, khu Di tích Bà Triệu đã được công nhận là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Sự tôn vinh này thêm một lần nữa khẳng định và nâng tầm vị thế của di sản trong kho tàng văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Đền Bà triệu là địa điểm linh thiêng không chỉ đối với người dân Thanh Hóa mà còn đối với nhân dân cả nước. Hằng năm, hàng vạn du khách khắp nơi đã về với đền Bà Triệu tham quan và thực hành tín ngưỡng tâm linh, để tưởng nhớ đến Bà và các anh hùng nghĩa sĩ năm xưa, đồng thời cầu mong thần linh phù hộ cho đất nước, quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.