Trong đó, sai phạm nghiêm trọng nhất là việc “băm nát” Dự án để chỉ định thầu bất hợp lý, làm tăng chi phí dự án.
Dự án hàng trăm tỷ, chủ yếu chỉ định thầu
Dự án Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang năm 2015 được triển khai theo Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020.
Theo Bộ GTVT, dự án trên có tổng mức đầu tư hơn 170.242 triệu đồng, được chia thành nhiều tiểu dự án với 399 gói thầu. Về hình thức lựa chọn nhà thầu, chỉ có 60 gói thầu trong tổng số 133 gói thầu xây lắp có hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước, số gói thầu còn lại đều được chỉ định thầu, áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn (bao gồm 73 gói thầu xây lắp, 133 gói thầu bảo hiểm xây dựng và 133 gói thầu kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành). Như vậy, khoảng 85% số lượng gói thầu của Dự án đều được chỉ định thầu theo quy trình chỉ định thầu rút gọn.
Kết luận thanh tra cho biết, đã có 9 nhà thầu tư vấn lập và thẩm tra dự án được lựa chọn để thực hiện các gói thầu tư vấn lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phân chia các gói thầu theo từng đường ngang (291 gói thầu tư vấn lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, 291 gói thầu thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán), áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn trong nước (giá gói thầu nhỏ hơn 500 triệu đồng) là chưa hợp lý, làm tăng chi phí tư vấn đầu tư xây dựng. Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng, nên gộp một số đường ngang theo khu vực, theo tuyến, có tính chất kỹ thuật tương tự thành 1 gói thầu, áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn được nhà thầu tư vấn có năng lực, kinh nghiệm; đồng thời giảm chi phí tư vấn.
Chỉ định thầu trước kế hoạch gần 2 năm!
Một sai phạm khá nghiêm trọng khác tại VNR mà Bộ GTVT vừa chỉ ra là tại các gói thầu xây lắp của các đường ngang Km782+690, Km783+372 và Km784+895 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, Chủ đầu tư đã thực hiện công tác đấu thầu, chỉ định thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng từ tháng 12/2013 khi chưa được Bộ GTVT giao kế hoạch thực hiện đầu tư và kế hoạch vốn.
|
Bên cạnh đó, một loạt “vấn đề” của HSMT các gói thầu xây lắp cũng được Bộ GTVT chỉ ra như: HSMT quy định nguồn lực tài chính cho gói thầu là 50% giá dự thầu là chưa phù hợp (theo Thông tư 11/2015/TT-BKHĐT ngày 27/10/2015 của Bộ KH&ĐT quy định đối với gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng dưới 12 tháng, yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu bằng 30% giá gói thầu). HSMT cũng thiếu quy định về các trường hợp nhà thầu liên danh tham dự thầu (về năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự… phải được quy định theo tỷ lệ tham gia liên danh của các nhà thầu). HSMT quy định loại hợp đồng trọn gói đối với các gói thầu xây lắp này là chưa hợp lý vì đây là gói thầu khối lượng, trong quá trình thực hiện có thể thay đổi so với thiết kế và dự toán được duyệt.
Đặc biệt, Bộ GTVT chỉ rõ, Bên mời thầu của các gói thầu xây lắp tại dự án sửa chữa 133 đường ngang nêu trên đã không đăng tải thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Khoản 1 Mục a Điều 8 của Luật Đấu thầu.
Về thương thảo ký kết hợp đồng, Kết luận thanh tra cho biết, giá các gói thầu được phê duyệt giá trị dự phòng phát sinh về khối lượng tính bằng 5% giá trị xây lắp. Tuy nhiên, khi thương thảo và đàm phán, ký kết hợp đồng, Chủ đầu tư đã không xem xét, đánh giá phần dự phòng về phát sinh khối lượng để thực hiện công tác quản lý hợp đồng theo quy định. Vì vậy, tính lại giá trị các hợp đồng sau khi thương thảo và ký kết hợp đồng chính thức thì giá trị các hợp đồng cao hơn giá các gói thầu được phê duyệt sau khi trừ đi phần giá dự phòng phát sinh về khối lượng 5% (tổng giá trị chênh lệch này hơn 1.888 triệu đồng).