Thành viên BIM Group muốn lấy gần 12ha rừng tại Vườn quốc gia Núi Chúa để làm khu nghỉ dưỡng

Công ty Syrena Việt Nam - Thành viên Tập đoàn BIM Group muốn “lấy” đến 12ha rừng thuộc lâm phần quản lý của Vườn Quốc gia Núi Chúa là để triển khai xây dựng dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy…

1.jpg

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công khai tham vấn cộng đồng về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam (Công ty Syrena Việt Nam) làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện với quy mô 64,65ha với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng, trong đó có hơn 12ha thuộc quy hoạch rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa.

LẤY GẦN 12HA RỪNG CỦA VƯỜN QUỐC GIA NÚI CHÚA

Tại ĐTM mà Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015, đến tháng 1/2022 được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500. Dự án này được triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025.

Đáng chú ý, theo ĐTM, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy được đầu tư xây dựng tại khu đất thuộc lâm phần quản lý của Vườn quốc gia Núi Chúa. Cụ thể, khu đất thực hiện dự án thuộc khoảnh 5, tiểu khu 150 có 11,58ha diện tích rừng (rừng tự nhiên 10,60 ha; rừng trồng 0,98 ha) do Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa quản lý.

2.jpg
Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy "lấy" gần 12ha rừng đặc dụng

ĐTM được Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn cộng đồng cũng nêu rõ, căn cứ khoản 2 Điều 20 Luật Lâm nghiệp: “Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha”.

Do đó, việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng gần 12 ha rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy (tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải tuân thủ theo Nghị định 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Mặc dù quy định tại Điều 24 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ nêu rõ, khi xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm các nguyên tắc như: Không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng. Các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường. Bảo đảm đúng quy định của pháp luật; Không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất; Không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa…

Tuy nhiên, tại ĐTM của dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy được Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn cộng đồng lại chỉ rõ rất nhiều khu vực chịu ảnh hưởng từ công trình thi công và hoạt động của dự án.

Cụ thể, các khu vực như: nghĩa trang của người dân xã Vĩnh Hải (cách 100 mét về phía Đông Bắc); Dân cư khu vực xã Vĩnh Hải, trường mầm non Vĩnh Hải (cách 600 mét về phía Tây); Đồn biên phòng Vĩnh Hy (cách 700 mét về phía Tây) sẽ chịu tác động trực tiếp và gián tiếp bởi quá trình thi công và hoạt động của dự án do Công ty Syrena Việt Nam làm chủ đầu tư.

Hệ thống sông suối, ao, hồ, kênh mương xung quanh dự án như: suối Lồ Ồ (cách 1,2km - là nguồn cấp nước cho khu vực), hồ Vách Đá (cách 2,5km), hồ An Dú cũng sẽ chịu tác động trực tiếp và gián tiếp từ quá trình thi công, hoạt động của dự án.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và cảnh quan Vườn quốc gia Núi Chúa. Bởi dự án chỉ cách ranh giới phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái và cảnh quan của Vườn quốc gia Núi Chúa 50 mét.

Không chỉ vậy, vị trí xây dựng dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy còn ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Vĩnh Hy (cách dự án 100 mét). Bên cạnh là nơi trú ngụ, tránh bão của tàu cá ngư dân, vịnh Vĩnh Hy còn là địa điểm quan trọng trong việc phục vụ du lịch của tỉnh Ninh Thuận. Dọc ven biển xung quanh khu vực dự án triển khai (gần nhất cách dự án 150 mét) có rạn san hô phong phú cùng với các loài thuỷ sản đa dạng, nơi đây là khu vực lặn ngắm san hô của rất nhiều khách du lịch.

Lo ngại nhất là cách dự án không xa (tầm 1,2km về phía Tây) còn có đầm nuôi hải sản với diện tích hơn 5,7 ha của người dân thuộc huyện Ninh Hải. Theo ĐTM được Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn cộng đồng chỉ rõ, nơi đây cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công xây dựng và hoạt động của dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị sẽ công khai tham vấn cộng đồng về Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận trong thời gian 14 ngày.

LỘ DIỆN ĐẾ CHẾ BIM GROUP PHÍA SAU SYRENA VIỆT NAM

Mặc dù là chủ đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận) có quy mô khoảng 65 ha với tổng vốn triển khai lên đến 1.600 tỷ đồng, thế nhưng Công ty Syrena Việt Nam lại là doanh nghiệp vừa bị Cục thuế tỉnh Quảng Ninh bêu tên vì nợ thuế hơn 187 tỷ đồng (tính đến ngày 31/8).

3.jpg
Chân dung vị Chủ tịch HĐQT BIM Group - Đế chế "phía sau" của Công ty Syrena Việt Nam

Về Syrena Việt Nam, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 10/2011 (có trụ sở tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) do ông Đoàn Quốc Huy, sinh năm 1984, làm Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật.

Năm 2013 công ty thay đổi nhân sự, ông Đoàn Quốc Việt, sinh năm 1955, là Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật. Ông Đoàn Quốc Huy vẫn là người đại diện khác của công ty. Tính đến tháng 10/2021, doanh nghiệp có vốn điều lệ khoảng 3.312 tỷ đồng.

Công ty Syrena Việt Nam tiền thân là Ban bất động sản trực thuộc Tập đoàn BIM (BIM Group), đồng thời là chủ đầu tư của loạt dự án như khu shophouse Little Việt Nam (3,3 ha, TP Hạ Long); Khu căn hộ cao cấp Fraser Suites Hà Nội (9.802 m2); khu đô thị Phú Quốc Water Front;... Vào cuối năm 2021, Syrena từng trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án khu biệt thự cao cấp tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long với số tiền trúng đấu giá 1.697 tỷ đồng. Khu biệt thự này có diện tích khoảng 5,6 ha.

Ở diễn biến liên quan, cách đây không lâu, Công ty Syrena Việt Nam đã đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị phía Tây TP Long Xuyên, An Giang. Dự án này có quy mô hơn 216 ha, thuộc địa bàn các phường Mỹ Thới, Mỹ Quý. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án này khoảng 12.000 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 3.000 tỷ đồng.

“Những người họ Đoàn” tại Syrena Việt Nam là ông Đoàn Quốc Huy hay Đoàn Quốc Việt, đều là những người cùng nhà với một hệ sinh thái khổng lồ phía sau.

Ông Đoàn Quốc Huy ngoài Syrena Việt Nam, còn là người đại diện tại loạt các doanh nghiệp khác như Công ty CP Thanh Xuân, Công ty TNHH BIM Kiên Giang, Công ty CP Green Town Việt Nam, Công ty CP Năng lượng tái tạo BIM (BIM Energy)…

Về BIM Group, tập đoàn này được thành lập năm 1994, có trụ sở chính tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Điều hành BIM Group cùng ông Đoàn Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT còn có vợ là bà Khổng Thị Hiền và hai người con là bà Đoàn Thị Thanh Mai và ông Đoàn Quốc Huy. Trong đó, bà Khổng Thị Hiền giữ chức Phó Tổng giám đốc Tập đoàn; bà Đoàn Thị Thanh Mai giữ chức Phó Tổng giám đốc Tập đoàn; ông Đoàn Quốc Huy giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn.

Doanh nhân Đoàn Quốc Việt được dự luận thời gian qua nhắc đến khá nhiều khi hãng bay Air Mekong (do ông Đoàn Quốc Việt là Chủ tịch HĐQT) bị Công ty CP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn đòi nợ với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…