Tôi biết, không dễ để chỉ qua hai bài viết, bạn có thể hoàn toàn tin tưởng vào một ý niệm còn quá mới mẻ. Nhưng tôi cũng hy vọng rằng, dù chưa thực sự tin, nhưng chúng ta vẫn đủ dũng cảm để mở lòng tiếp nhận một phương pháp mới.
Ở những bài viết tiếp theo, tôi sẽ làm rõ mối quan hệ giữa thiền định và phát triển trí tuệ cảm xúc, cùng những công cụ đơn giản để bạn dần dần chinh phục từng nấc thang trên hành trình trở thành một lãnh đạo tỉnh thức.
Thực hành thiền định để phát triển trí tuệ cảm xúc
Trong những bài viết trước, tôi đã luôn nhấn mạnh vào lợi ích của việc trở thành một nhà lãnh đạo tỉnh thức trong việc cải thiện chất lượng suy nghĩ, tăng cường khả năng nhận biết, chế ngự những cảm xúc tiêu cực cũng như biết cách duy trì nguồn năng lượng tích cực, v.v. Đây cũng chính là dấu hiệu của một người có trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence) cao.
Cụ thể, “trí tuệ cảm xúc là khả năng theo dõi cảm giác và cảm xúc của mình cũng như của người khác, phân biệt chúng, và sử dụng thông tin này để dẫn dắt tư duy và hành động của mình” (theo Peter Salovey và John D.Mayer – cha đẻ của khung lý thuyết về trí thông minh cảm xúc).
Daniel Goleman từng khẳng định, để phát triển trí tuệ cảm xúc, thực hành thiền là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất. Khi thiền định, bạn sẽ dành sự tập trung cho hiện tại, quan tâm đến thế giới nội tâm của chính mình, khi đó bạn đạt được cấp độ đầu tiên về sự tự nhận thức. Khi bạn đã nhìn nhận rõ những gì đang diễn ra bên trong, bạn dần có thể chế ngự và xử lý chúng tốt hơn, từ đó lần lượt đạt được các cấp độ cao hơn về khả năng tự kiểm soát; tự tạo động lực; biết cách cảm thông và nâng cao các kỹ năng xã hội.
Vì vậy có thể nói rằng, việc thực hành thiền định và chánh niệm để trở thành một nhà lãnh đạo tỉnh thức cũng chính là hành trình phát triển trí tuệ cảm xúc cho các nhà lãnh đạo. Điều này cũng khẳng định: trí tuệ cảm xúc không phải là tố chất bẩm sinh mà là những kỹ năng mà chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi, rèn luyện và cải thiện.
" Trí tuệ cảm xúc là khả năng theo dõi cảm giác và cảm xúc của mình cũng như của người khác, phân biệt chúng, và sử dụng thông tin này để dẫn dắt tư duy và hành động của mình.
Thế nào là tự nhận thức về bản thân
Cấp độ đầu tiên trên hành trình phát triển trí tuệ cảm xúc là sự tự nhận thức về bản thân, cụ thể là việc nhận thức rõ những gì đang diễn ra bên trong về mặt cảm xúc. Đó là việc nhận biết một cảm xúc vào đúng khoảnh khắc nó xuất hiện, nhận thức được những thay đổi lên xuống của cảm xúc đó, và theo dõi cả khoảnh khắc nó biến mất. Sự tự nhận thức về cảm xúc này đòi hỏi khả năng kiểm tra cảm xúc của mình từ góc nhìn của người thứ ba, không để bản thân bị cuốn theo cảm xúc, bị đồng hoá với cảm xúc, mà chỉ nhìn nó một cách rõ ràng và khách quan. Để làm được điều này, cần một sự tập trung ổn định, sáng suốt và không phán xét, chính là điều mà chúng ta có thể đạt được khi thực hành thiền định và chánh niệm đều đặn.
Việc nhận biết được cảm xúc là đặc biệt quan trọng vì chúng giúp chúng không bỏ qua những tín hiệu, những thông tin, tiếng nói bên trong mà tâm trí đang muốn gửi đến bạn. Thông tin đó có thể là kinh nghiệm từ những trải nghiệm trong quá khứ; là những thôi thúc từ bản năng, trực giác; là tiếng nói thầm kín bên trong biểu hiện tâm tư, mong muốn, khao khát của bạn.
Ví dụ, sự tức giận nảy sinh để giúp bạn thấy rằng có điều gì đó không ổn và bạn muốn thay đổi; cảm giác tội lỗi phát sinh để thông báo rằng bạn đã làm điều gì đó không phù hợp với đạo đức và giá trị cốt lõi của bản thân... Thực chất, cảm xúc cũng giống như một hình thức tự giao tiếp, cung cấp thông tin giúp bạn đưa ra quyết định. Việc không lắng nghe cảm xúc của mình cũng đồng nghĩa với việc chúng ta mất kết nối với chính bản năng bên trong và với cả môi trường bên ngoài.
" Nhận thức bản thân là việc ý thức rõ những gì đang diễn ra bên trong về mặt cảm xúc, nhận biết một cảm xúc vào đúng khoảnh khắc nó xuất hiện, nhận thức được những thay đổi lên xuống của cảm xúc đó, và theo dõi cả khoảnh khắc nó biến mất.
Làm thế nào để nhận biết cảm xúc?
Rất nhiều người cho rằng, cảm xúc là một một phạm trù khó nắm bắt vì chúng là những điều chỉ diễn ra trong tâm trí. Thế nhưng, khoa học đã chứng minh, cảm xúc không đơn thuần là một trải nghiệm tâm lý, nó còn là một trải nghiệm sinh lý và có những dấu hiệu cụ thể trên cơ thể. Vì vậy, để nhận biết cảm xúc, hãy bắt đầu bằng việc luôn quan sát cơ thể chình mình.
Ví dụ, trong một cuộc trò chuyện, nếu bạn cảm thấy khó chịu, ngực thắt lại, nóng trong người... có thể bạn đang ở trong khoảnh khắc sự tức giận khởi lên. Nếu bạn cảm thấy có cơn đau thắt nhẹ ở bụng, tay đổ mồ hôi thì có khả năng bạn đang lo lắng, hồi hộp vì một chuyện nào đó. Rõ ràng, nếu tập trung sự chú ý vào cơ thể, chúng ta sẽ luôn nhận biết được cảm xúc một cách sống động, cụ thể hơn trong tâm trí.
Ở một mức độ cao hơn, khi bạn thường xuyên thực hiện việc quan sát một cách nghiêm túc, bạn sẽ dần nhận biết rõ về những điều thường đem đến cho bạn niềm vui, những điều khiến bạn khó chịu và xu hướng hành động trước những tác nhân ấy. Từ đó, bạn sẽ có thể chủ động lựa chọn thái độ, cách ứng xử có lợi nhất cho bạn và những người xung quanh, tránh những hối tiếc sau này. Bạn cũng sẽ biết cách thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực bằng cách chủ động tìm đến điều thường đem lại cho bạn niềm vui hoặc loại bỏ những tác nhân thường khiến bạn khó chịu.
" Khoa học đã chứng minh, cảm xúc không đơn thuần là một trải nghiệm tâm lý, nó còn là một trải nghiệm sinh lý và có những dấu hiệu cụ thể trên cơ thể.
Lời kết
Trong quá trình xây dựng Coach For Life cũng như khai vấn cho các nhà lãnh đạo, tôn chỉ mà tôi thường xuyên nhấn mạnh luôn là: “Khi bạn thay đổi, bạn truyền cảm hứng cho người khác đổi thay”. Các nhà lãnh đạo, trước khi muốn thấu hiểu, tạo động lực, quản lý đội ngũ nhân viên, điều quan trọng trước tiên là phải thấu hiểu và quản lý chính mình. Hành trình thấu hiểu bản thân mình không thể vội vàng. Bạn sẽ cần một quá trình lắng nghe chính mình một cách nghiêm túc, bình tĩnh và thành thật nhất. Bất cứ cảm xúc, suy nghĩ nào cũng có ý nghĩa và đều xứng đáng được thừa nhận, lắng nghe và thấu hiểu. Thế nhưng rõ ràng, không phải cảm xúc, suy nghĩ nào cũng là tích cực, vì vậy, nhận biết rõ về cảm xúc thôi là chưa đủ, chúng ta còn cần biết cách xử lý những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực. Ở bài viết kế tiếp, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ về điều này.
Trong một chuỗi bài viết về chủ đề “Lãnh đạo tỉnh thức”, coach Quách Hương sẽ cố gắng không chỉ dừng ở việc chia sẻ khái niệm hay lý thuyết, thay vào đó sẽ cung cấp các công cụ, phương pháp, và trải nghiệm của cá nhân hoặc của những khách hàng tôi đã có cơ hội cùng làm việc trên hành trình chuyển hoá trở thành lãnh đạo tỉnh thức, với hi vọng làm cho khái niệm cấp tiến, nhưng hơi trừu tượng này, trở nên gần gũi và thực tế hơn với mọi người.
Cùng đón đọc những bài viết tiếp theo của coach Quách Hương.