Thay đổi diện mạo, Vinaconex 2 kỳ vọng "đổi vận"

Quyết định đổi tên từ Vinaconex 2 sang Vina 2, chuẩn bị tăng vốn lớn nhất từ trước đến nay, ban lãnh đạo công ty kỳ vọng cải thiện tình hình tài chính sau khi Vinaconex thoái vốn.
Thay đổi diện mạo, Vinaconex 2 kỳ vọng "đổi vận"

Vinaconex 2 vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 thông qua nhiều quyết định quan trọng nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của công ty.

Thay đổi diện mạo

Một trong những nội dung quan trọng được ĐHĐCĐ thông qua là việc đổi tên và logo công ty. Theo đó, công ty sẽ đổi tên từ CTCP Xây dựng số 2 (Vinaconex 2) thành CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina 2 (Vina 2).

Ngoài ra, công ty cũng quyết định tăng vốn điều lệ lên gấp đôi từ 150 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm 15 triệu cổ phần. Giá phát hành được ủy quyền cho Hội đồng Quản trị quyết định, nhưng không thấp hơn 15.000 đồng/cp và không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán. Theo đó, tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành sẽ không dưới 225 tỷ đồng.

Trong định hướng năm 2020, Vinaconex 2 cho biết sẽ rà soát để đổi mới công tác quản trị, thay đổi tư duy; đổi mới hệ thống quản trị nội bộ để phân định rõ chức năng nhiệm vụ trong giải quyết công việc.

Lĩnh vực kinh doanh then chốt mà công ty nhắm đến trong năm 2020 vẫn là xây lắp và bất động sản, tìm kiếm dự án mới.  Một trong những vấn đề lớn nữa được Vinaconex 2 đặt ra trong năm 2020 là thực hiện kiểm soát dòng tiền và triển khai mạnh công tác thu hồi công nợ tại các dự án, công trình của công ty nhằm ổn định và nâng cao năng lực tài chính.

Theo đó, Vinaconex 2 dự kiến trong năm 2020 sẽ đạt 1.196 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất hợp nhất, tăng 20,4% so với thực hiện năm 2019; tổng doanh thu hợp nhất đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 25,7% so với 2019; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 37,7 tỷ đồng, giảm 9,8%.

Đối với công ty mẹ, tổng giá trị sản xuất 2020 đặt ra là 1.134 tỷ đồng, tăng 27,8%; tổng doanh thu đạt 1.542 tỷ đồng, tăng trưởng 25,8%; lợi nhuận trước thuế đạt 36,2 tỷ đồng, tăng trưởng 0,05%.

Trước những sự thay đổi mạnh mẽ đặt ra trong năm 2020, lãnh đạo Vinaconex 2 cho biết, việc tăng vốn điều lệ lên gấp đôi nói trên nếu được thực hiện đúng phương án sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể về cơ cấu vốn của công ty.

Kỳ vọng đổi thay

Theo đó, vốn chủ sở hữu của Vinaconex 2 sẽ tăng từ 303,7 tỷ đồng hiện nay, lên ít nhất 528,7 tỷ đồng. Việc tăng vốn chủ hữu cũng sẽ làm thay đổi cơ cấu nợ.

Cụ thể, với quy mô nợ phải trả 1.668,5 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2019, tỷ lệ nợ của công ty ở mức khá cao, chiếm tới 84% tổng nguồn vốn. Nhưng khi vốn chủ sở hữu tăng thêm ít nhất 225 tỷ đồng theo kế hoạch phát hành và nợ không tăng thêm, thì tỷ lệ nợ trên tổng nguồn vốn sẽ được giảm xuống tối đa chỉ là 76%. Điều này cũng sẽ giúp công ty dễ tiếp cận, tìm kiếm đối tác để gia tăng doanh số, sản lượng trong tương lai.

Điều đáng chú ý là, việc huy động vốn, nếu thành công, sẽ tạo ra cho công ty dòng tiền thuần gia tăng tương ứng số tiền tối thiểu 225 tỷ đồng có thể giải quyết những nhu cầu thúc đẩy hoạt động, mở rộng đầu tư.

Trước đó, trong năm 2019, tổng doanh thu hợp nhất của công ty đạt 1.295 tỷ đồng, bằng 94% so với thực hiện năm 2018 và bằng 86% so với kế hoạch năm 2019.

Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 41,78% tỷ đồng, bằng 101% so với thực hiện năm 2018 và bằng 116,1% so với kế hoạch năm 2019.

Đối với hoạt động công ty mẹ, tổng giá trị sản xuất kinh doanh đạt 75,7%, tổng doanh thu đạt 87,5%, lợi nhuận trước thuế đạt 101,1% so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông năm 2019 thông qua.

Nguyên nhân chính khiến Vinaconex 2 không hoàn thành kế hoạch các chỉ tiêu về giá trị sản xuất kinh doanh, doanh thu chủ yếu do giá trị sản xuất kinh doanh, doanh thu của lĩnh vực xây lắp không đạt được như kỳ vọng.

Hầu hết các dự án có giá trị sản lượng lớn trong năm 2019 là các công trình đi bàn giao, nghiệm thu, thanh quyết toán, có một số dự án chậm tiến độ triển khai do nguyên nhân từ chủ đầu tư thiếu vốn, thiếu vật tư, vật liệu…

Mặt khác, sự cạnh tranh gay gắt trong đấu thầu, tìm kiếm việc làm giữa các doanh nghiệp xây lắp nên cũng làm giảm số công trình trúng thầu và thi công trong năm 2019.

Thực tế, mọi sự thay đổi đều dẫn đến kỳ vọng về một tương lai tốt hơn, tuy nhiên, cũng có không ít những doanh nghiệp chỉ thay đổi về diện mạo còn mọi hoạt động bên trong "dậm chân tại chỗ" như một động thái "làm cho có".

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm