Căn cứ kết quả kiểm tra cho thấy, bà Nguyễn Thị Nhung đã sử dụng 18 tài khoản để mua bán, tạo cung cầu giả đối với cổ phiếu AMV của CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ. Vì vậy, Ủy ban quyết định xử phạt bà Nhung số tiền 550 triệu đồng vì hành vi trên.
Được biết, đây không phải lần đầu mã cổ phiếu AMV bị thao túng. Trong khoảng thời gian từ 1/7/2010 đến 31/8/2010, ông Võ Văn Trường sử dụng 2 tài khoản của mình và 10 tài khoản đứng tên người có liên quan đã có hành vi thông đồng với ông Phạm Đình Phú để thực hiện mua, bán cổ phiếu AMV.
Xét tính chất và mức độ vi phạm, Ủy ban quyết định xử phạt vi phạm hành chính hai nhà đầu tư trên mỗi người 250 triệu đồng.
Liên tục dò đáy trong 1 khoảng thời gian dài, đến đầu năm 2017 cổ phiếu AMV đã có dấu hiệu phục hồi. Từ giữa tháng 08/2018, cổ phiếu AMV bất ngờ bật tăng từ 16.100 đồng/cp (ngày 15/08) và chạm đỉnh 39.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 18/12, tức tăng gần gấp 2,5 lần trong 4 tháng.
Chốt phiên 29/3, thị giá cổ phiếu dừng ở mức 32.500 đồng/cổ phiếu và có 1.100 đơn vị được khớp lệnh. Vốn hóa thị trường theo đó vào khoảng 881 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, mặc dù, UBCKNN đã xử phạt hành chính hành vi thao túng giá cổ phiếu ở mức cao nhất 550 triệu đồng nhưng nhiều cá nhân vẫn thao túng giá trên sàn chứng khoán. Mới đây nhất, ngày 26/2, UBCKNN đã xử phạt ông Đinh Xuân Cường (Hà Nội) vì đã sử dụng 12 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu của Công ty cổ phần ANI (mã: SIC).
"Trước đó, ngày 29/1, UBCKNN cũng đã phạt ông Lê Văn Long 550 triệu vì đã dùng 44 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu ALV của CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng ALV. Trong năm 2018, 9 cá nhân đã bị xử phạt nặng vì vi phạm tương tự.
Hồi đầu năm 2019, trao đổi với báo giới về công tác điều hành thị trường chứng khoán năm 2019, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết dự kiến sau tết sẽ khởi tố và xét xử một số vụ thao túng giá chứng khoán.
Ông Sơn khẳng định thao túng, nội gián trên thị trường chứng khoán là có. Quan điểm của UBCKNN là phải xử lý nghiêm một vài vụ để thị trường đi vào nề nếp hơn.
Mới đây nhất, Công an TP.Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ngày 21/3 áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ hình sự đối với bà Phạm Thị Hinh về tội thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu của CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (Mã: KSA), xảy ra trên địa bàn Thành phố Hà Nội gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Bà Phạm Thị Hinh sinh năm 1973, khẩu thường tại Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận và Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật CTCP chứng khoán VSM. Ngoài ra, bà còn có liên quan đến một số doanh nghiệp khác trên sàn chứng khoán.
Sau khi lên sàn chứng khoán, KSA liên tục tăng vốn từ mức 129 tỷ lên 934 tỷ đồng vào năm 2015. Ngược lại với quá trình tăng vốn, giá cổ phiếu và diễn biến kinh doanh đều đi xuống. Từ mức lãi sau thuế 65 tỷ năm 2010, KSA chỉ còn lãi 12 tỷ năm 2017. Báo cáo tài chính năm 2018 chưa được doanh nghiệp công bố.
Trong khi đó, giá cổ phiếu cũng giảm mạnh từ trên 40.000 đồng/cp thời điểm niêm yết về mức 480 đồng/cp trước khi bị hủy niêm yết bắt buộc.
Đây không phải là lần đầu nhà chức trách tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội thao túng giá chứng khoán trên thị trường chứng khoán. Trước vụ án này, cơ quan điều tra đã từng khởi tố một số vụ án liên quan tới việc “làm giá” các cổ phiếu DVD, MTM và CDO.
>> Chủ tịch HĐQT chứng khoán VSM bị khởi tố vì thao túng chứng khoán