BIDV phát hành thêm 8.100 tỷ đồng trái phiếu không tài sản đảm bảo

Tối đa sẽ có 8.100 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo từ 40 đợt phát hành của BIDV từ tháng 6 đến hết tháng 9/2023…
trái phiếu
BIDV thông qua kê hoạch phát hành thêm 8.100 tỷ đồng trái phiếu không tài sản đảm bảo

Ngày 14/6, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán: BID) có công bố thông tin bất thường của Hội đồng Quản trị BIDV về việc thông qua nội dung phê duyệt phương án phát hành trái phiếu tăng vốn BIDV theo hình thức phát hành riêng lẻ trong giai đoạn 1 (từ tháng 6/2023 đến hết quý 3/2023).

BIDV cho biết, mục đích của việc phát hành nhằm tăng vốn cấp 2. Tổng giá trị trái phiếu phát hành theo mệnh giá tối đa 8.100 tỷ đồng, đây là loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm.

Theo kế hoạch của BIDV, mệnh giá trái phiếu dự kiến là 100 triệu đồng hoặc là bội số của 100 triệu đồng, với giá phát hành bằng 100% mệnh giá và có kỳ hạn trái phiếu từ 05 năm trở lên.

Với tổng số 8.100 tỷ đồng này sẽ được BIDV phát hành thành tối đa 40 đợt phát hành. Trong đó, số đợt phát hành dự kiến được phân đều từ tháng 6 đến tháng 9/2023 với mỗi tháng là 10 đợt, và khối lượng tối thiểu cho từng đợt là 50 tỷ đồng.

BIDV cũng cho biết, lãi suất trái phiếu được ngân hàng này quyết định cụ thể theo mỗi đợt phát hành, trên cơ sở tình hình thị trường, khả năng chấp nhận/nhu cầu vốn của ngân hàng tại thời điểm phát hành và phù hợp với quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ (nếu có).

Đồng thời, gốc trái phiếu được trả 01 lần vào ngày đáo hạn trừ trường hợp trái phiếu được BIDV mua lại trước hạn hoặc tùy theo quy định cụ thể của ngân hàng này tại mỗi đợt phát hành.

Để củng cố điều kiện đảm bảo cho việc phát hành lượng lớn trái phiếu không có tài sản đảm bảo này, BIDV đã cho thấy những chỉ số sức khoẻ tài chính của ngân hàng này có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, quy định của luật pháp như: Tỷ lệ chi trả; Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung hạn; Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi; Tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ đảm bảo… dự kiến sau khi phát hành đều trong diện đáp ứng các yêu cầu.

Cùng với đó, BIDV cho biết, trong thời gian từ 2020 – 2022, ngân hàng này đã thực hiện thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu đã phát hành và các khoản nợ đến hạn. Đồng thời, sử dụng đúng mục đích nguồn vốn thu được từ khối lượng trái phiếu đã phát hành.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 của BIDV cho thấy, tại ngày 31/3/2023 tổng lượng phát hành giấy tờ có giá của ngân hàng này vào khoảng 170.000 tỷ đồng, trong đó, chứng chỉ tiền gửi gần 114.000 tỷ đồng, kỳ phiếu 620 triệu đồng, trái phiếu 11.000 tỷ đồng và trái phiếu tăng vốn hơn 45.000 tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...