Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, xu hướng giảm giá này sẽ được người tiêu dùng hoan nghênh, tuy nhiên, thực tế sự sụt giảm nhu cầu thép do những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Còn tại Việt Nam, giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới xu hướng đi xuống là nguyên nhân khiến giá thép trong nước quay đầu giảm mạnh sau thời gian tăng nóng. Bên cạnh đó, việc giá một số loại vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng khó khăn, hoạt động đình trệ, dẫn đến nhu cầu thép cũng giảm.
Nhận định về cuối năm, các chuyên gia cho rằng sẽ còn nhiều khó khăn đối ngành thép, Tuy vậy, ở nước ta, với các chính sách đẩy mạnh thực hiện đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng và kỳ vọng việc xây dựng công trình nhà ở, bất động sản tăng trưởng trở lại về cuối năm, lượng tiêu thụ các sản phẩm thép vẫn có thể tăng trưởng quanh mức 7-10%...
Trong 6 tháng cuối năm, trước áp lực của lạm phát và kiểm soát tín dụng bất động sản, các chuyên gia của Mirae Asset Việt Nam (MASVN) đã hạ 15% dự phóng sản lượng so với báo cáo trước đây. Cả năm 2022, sản lượng thép toàn ngành dự báo sẽ đạt 27,8 triệu tấn, giảm 10% so với năm ngoái. Riêng sản lượng xuất khẩu đạt 7,6 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2021, trong khi sản lượng tiêu thụ nội địa chỉ là 20,1 triệu tấn, giảm 13,6% so với năm 2021.
Hiệp hội Thép Thế giới dự báo nhu cầu thép trong năm 2022 và 2023 sẽ lần lượt tăng 0,4% lên 1,84 tỷ tấn và 2,2% lên 1,88 tỷ tấn. Nguyên nhân là do chiến tranh Nga-Ukraine và lạm phát toàn cầu, triển vọng thị trường hiện tại là không chắc chắn.