Nhiều ý kiến lo ngại mức thuế này sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu của doanh nghiệp tôn Việt, thậm chí làm mất thị trường. Song phía Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, với nhu cầu lớn của thị trường này, doanh nghiệp tôn trong nước vẫn có “cửa” cạnh tranh.
Trong những năm gần đây, sản phẩm thép và liên quan đến thép là một trong những ngành chịu nhiều vụ kiện thương mại nhất. Đến cuối năm 2017, trong số tổng cộng 124 vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, thì có tới 30 vụ kiện liên quan thép, chủ yếu tập trung vào điều tra chống bán phá giá.
Dự báo, nhu cầu tiêu thụ thép của Indonesia và Philippines sẽ gia tăng. Các nước trong ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Brunei) vẫn hy vọng có được chỉ số tiêu thụ thép tăng trưởng dương và vượt mốc 90 triệu tấn vào năm 2019. Đây là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp tôn thép Việt tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu vào các thị trường khu vực này.
Báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, thị trường khu vực Đông Nam Á, trong đó có cả Indonesia chiếm tới 60% lượng xuất khẩu, Hoa Kỳ chiếm khoảng 12%... Đặc biệt, trong xuất khẩu thép cán nguội, tôn mạ, Việt Nam đang là có năng lực sản xuất mạnh nhất khu vực Đông Nam Á, công nghệ và trình độ cũng ở đẳng cấp cao so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng lớn, doanh nghiệp thép tại Indonesia không thể đáp ứng, “bao sân” được hoàn toàn thị trường này.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng nguyên nhân có thể do phía Indonesia nghi ngại sản phẩm tôn màu Việt nhập nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc để sản xuất.
“Hiệp hội đã làm việc với các doanh nghiệp. Với mức đánh thuế từ 12% đến hơn 28% thì việc xuất khẩu, cạnh tranh sẽ khó khăn hơn, dù không lớn. Nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ giảm xuất khẩu sang đó. Tuy nhiên, mất thị trường thì không đáng lo. Vì thực ra, thị trường này có nhu cầu về tôn mạ vẫn còn lớn”, ông Hồ Nghĩa Dũng nói.
“Trong vụ việc áp thuế này, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị từ trước, chứ không đợi đến khi bị đánh thuế, mới loay hoay tìm hướng giải quyết. Họ đã mở rộng thị trường khá nhiều, như châu Âu, Hoa Kỳ… và đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, thị phần xuất khẩu tôn mạ của doanh nghiệp tôn Việt sang Indonesia cũng chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các thị trường của doanh nghiệp tôn”.
Tuy nhiên, bản chất của vấn đề, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân mình, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và các biện pháp tự vệ được áp dụng nhiều như hiện nay.
Doanh nghiệp trước đây làm thép cán, làm tôn mạ, thì các mặt hàng như thép cán nóng, phôi cán nóng được nhập khẩu của Trung Quốc khá nhiều. Sắp tới, chúng ta phải giảm bớt đi, làm sao tự chủ được các nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào này ngay trong nước. Ngành công nghiệp thép trong nước phải cố gắng khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất đề loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước để giảm thiểu việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế, ông Dũng khuyến nghị.
Việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng bộ và khép kín sản xuất... sẽ là giải pháp cơ bản và lâu dài trong bối cảnh các vụ kiện phòng vệ lên ngành thép ngày càng nhiều.
Trước đó, Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) đã công bố kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.
Theo đó, Indonesia xác định sản phẩm bị điều tra nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá vào thị trường nước này ở mức từ 12,01% – 28,49% và gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước của Indonesia.
Căn cứ kết luận này, KPPI kiến nghị áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm tôn màu của Việt Nam trong khoảng thời gian 5 năm.
Tổng lượng tôn màu nhập khẩu vào Indonesia (trong giai đoạn điều tra) là 224.119 tấn. Trong đó, lượng nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc là 196.190 tấn, chiếm 87.5% (theo số liệu trong Thông báo của KADI).
Theo Báo Chính Phủ