Thị trường bất động sản Việt Nam: “Món ngon” trong mắt nhà đầu tư ngoại

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao về thị trường bất động sản Việt Nam, họ cho rằng, Việt Nam là thị trường mới nổi được săn đón nhiều nhất về chiến lược đầu tư, cơ hội và giá trị gia tăng…

cover-8-7757.jpg
Vốn FDI đang chảy mạnh vào thị trường bất động sản. Ảnh minh hoạ

Theo Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong quý 1/2024 đạt gần 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Từ con số trên, Bộ Xây dựng nhận định, kết quả thu hút vốn FDI đăng ký trong quý đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới và đầu tư mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam.

Cụ thể, trong tháng 1/2024 FDI đăng ký ở mức 2,36 tỷ USD, tăng 10,2% so với 2023, trong khi FDI giải ngân tăng 9,6% lên 1,48 tỷ USD. Theo đó, nhóm ngành, Bất động sản nhận được nhiều vốn đầu tư nhất với 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký.

Đến tháng 2/2024, vốn FDI đăng ký ở mức 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023, trong khi FDI giải ngân tăng 9,8% lên 2,8 tỷ USD. Bất động sản là nhóm ngành đứng thứ hai, đạt gần 1,41 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng vốn đăng ký.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3/2024, vốn FDI đăng ký ở mức 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2023, FDI giải ngân tăng 7,1% lên 4,63 tỷ USD. Theo đó, nhóm ngành bất động sản đứng thứ hai với hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đăng ký.

MIỀN ĐẤT HỨA THỨ 2 CỦA CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG

Theo cuộc khảo sát mới đây của CBRE về ý định và kế hoạch của nhà đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2024, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trong số các thị trường mới nổi được săn đón nhiều nhất về chiến lược đầu tư, cơ hội và giá trị gia tăng, chỉ sau Ấn Độ và đứng thứ ba là Thái Lan.

Hiện nay, hầu hết các nhà đầu tư vào Việt Nam đều tập trung sự chú ý vào bất động sản công nghiệp và văn phòng. Nền kinh tế vững mạnh và chú trọng vào xuất khẩu của Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động thương mại phát triển, tạo nên nhu cầu mạnh cho việc quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần hiệu quả.

Ngoài bất động sản thương mại, đất dự án phát triển nhà ở tại Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các chủ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều nhà đầu tư tích cực tìm kiếm các tài sản giảm giá hoặc tài sản thuộc sở hữu của chủ đất đang phải đối mặt với những khó khăn pháp lý hoặc nguồn vốn. Xu hướng này nêu bật khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của phân khúc nhà ở tại Việt Nam.

Đánh giá về khẩu vị của nhà đầu tư, ông Nguyễn Phạm Anh Duy, Giám đốc Bộ phận Tư vấn đầu tư, CBRE Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài có tầm nhìn dài hạn về tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam và sẵn sàng đầu tư vốn để hưởng lợi ngay trong chu kỳ điều chỉnh giá vừa qua. Điều này đặc biệt đúng với diễn biến hiện nay. Bên mua được hưởng lợi từ bên bán là nhà đầu tư đang cần thoái vốn sau thời gian dài nắm giữ tài sản.

screenshot-2024-03-27-153028-7201.png
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Không chỉ vậy, CBRE cũng chỉ ra các nhà đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương thích tìm kiếm mục tiêu lợi nhuận hai con số. Họ đã chuyển sang chiến lược đầu tư tập trung vào các tài sản có thể tăng giá hoặc tài sản đang có vấn đề trong việc chi trả nợ, buộc phải giảm giá.

Cụ thể, hơn 60% nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch nâng cấp các tòa nhà đắc địa trong danh mục đầu tư của họ theo tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội và quản trị doanh nghiệp) trong năm 2024. Phần lớn trong số đó là quỹ tư nhân, quỹ bất động sản và quỹ tín thác bất động sản (REITs). Đây cũng là xu hướng nhằm theo đuổi chiến lược gia tăng giá trị tài sản.

Tuy nhiên, CBRE cũng nhìn nhận nhu cầu mua dự án bất động sản trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn khá yếu, trong khi nhu cầu bán dự án lại ở mức cao. Với chu kỳ tăng lãi suất đã chững lại ở các thị trường lớn trên toàn cầu, các nhà đầu tư đang chờ đợi những dấu hiệu cho thấy chu kỳ điều chỉnh giá hiện tại đã kết thúc trước khi xuống tiền.

Nhà đầu tư ở hầu hết các thị trường sẽ tiếp tục giữ động thái chờ đợi và quan sát trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024 và các ngân hàng trung ương tại châu Á - Thái Bình Dương cũng điều chỉnh theo. Nhờ đó, các hoạt động mua bán dự án bất động sản thương mại sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm.

MỖI PHÂN KHÚC CÓ NHỮNG ĐIỂM NHẤN RIÊNG

Thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại rất hấp dẫn bởi những lợi thế riêng biệt. Theo ông Nguyễn Trọng Toàn, Quản lý Bộ phận Đầu tư, Savills Hà Nội, Việt Nam thể hiện sự ổn định không chỉ về tình hình chính trị mà còn trong bối cảnh vĩ mô, nơi kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, với mức lạm phát duy trì thấp và tỷ giá được Nhà nước kiểm soát ổn định hơn trong tương quan với các quốc gia khác trong khu vực.

Do vậy, với lĩnh vực bất động sản, Việt Nam vẫn duy trì là điểm đến đầu tư đáng chú ý của các nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản nước ngoài tại những vị trí và phân khúc có dư địa phát triển tốt.

w-thuong-tet-bat-dong-san-2-961-430-3458.jpg
Lĩnh vực bất động sản Việt Nam vẫn duy trì là điểm đến đầu tư đáng chú ý. Ảnh minh hoạ

Ông Toàn cho rằng, mỗi phân khúc bất động sản của thị trường Việt Nam trong năm 2024 đều có những điểm nhấn đầu tư riêng thu hút nhà đầu tư ngoại. Đơn cử, đối với phân khúc bất động sản nhà ở, nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư và có xu hướng phát triển các dự án mang thương hiệu riêng của mình trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và nhu cầu nhà ở của người dân cao.

Lợi thế của các chủ đầu tư nước ngoài là về thương hiệu, ý tưởng thiết kế, cùng tiêu chuẩn và chất lượng xây dựng nên các sản phẩm phát triển dù ở phân khúc cao cấp vẫn luôn được thị trường đón nhận tích cực.

Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản văn phòng cũng nhận được nhiều sự chú ý. Theo quan sát của Savills, thị trường chứng kiến tăng trưởng nguồn cầu từ khối doanh nghiệp năng lượng, sản xuất và tư vấn, góp phần duy trì tỷ lệ lấp đầy ổn định.

Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, xu hướng thị trường văn phòng mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư nước ngoài có năng lực đầu tư và định vị sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh, kể đến các chứng chỉ như LEED, WELL, BREEAM...

“Riêng với thị trường Hà Nội, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mở rộng phạm vi đầu tư tại các khu vực đang phát triển của thành phố thay vì tập trung tại các quận trung tâm nhằm đón bắt xu hướng dịch chuyển của các nhóm văn phòng cơ quan hành chính công tư, sự phát triển của hạ tầng giao thông thành phố, và xu hướng tập trung dân cư tại các dự án đại đô thị bao quanh thành phố”, vị chuyên gia phân tích.

Đối với lĩnh vực bán lẻ, sự gia nhập của các ông lớn về mảng bán lẻ đã nổi bật sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Các nhà đầu tư lớn đang tích cực tìm kiếm quỹ đất để triển khai các dự án bất động sản thương mại dịch vụ hiện đại với quy mô lớn, tập trung vào trải nghiệm của người tiêu dùng.

ndt-1295.jpg
Nhiều nhà đầu tư ngoại tiếp tục mở rộng thị trường. Ảnh minh hoạ

Điển hình, đầu tháng 2/2024, ông trùm bất động sản bán lẻ Central Pattana, một thành viên của tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group đã rục rịch thành lập pháp nhân tại Việt Nam nhằm gia nhập thị trường bán lẻ sôi động này.

Hay, THISO sau khi mở đại siêu thị Emart thứ ba tại TP.HCM đã cho thấy chiến lược mở rộng đại siêu thị thứ 4 tại phía Bắc với việc mua lại quỹ đất rộng 2,4ha tại Khu đô thị Tây Hồ Tây.

Còn thị trường khách sạn đang trên đà phục hồi, chỉ trong năm 2023, Việt Nam đón 120,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 19% theo năm. Với tình hình hoạt động của phân khúc khách sạn liên tục được cải thiện, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao khả năng phục hồi của phân khúc và tin tưởng vào dư địa phát triển của thị trường khách sạn tại Việt Nam, đồng thời đánh giá đây là thời điểm phù hợp để tham gia thị trường.

Bên cạnh sức hút riêng của từng phân khúc tới nhà đầu tư nước ngoài, ông Toàn cũng chia sẻ thêm: “Nếu như trước đây chủ yếu nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính dồi dào sẽ ưu tiên phương án đầu tư chiếm quyền kiểm soát, thì giờ đây họ cởi mở hơn với nhiều hình thức đầu tư khác nhau, từ đầu tư tài chính, góp vốn, tới việc hợp tác kinh doanh … để khai thác tối đa tiềm năng thị trường Việt Nam. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sau thời gian tìm hiểu thị trường cũng mở rộng phạm vi về địa điểm của dự án, đặc biệt trong việc nghiên cứu cơ hội đầu tư tại các khu vực ngoài các thành phố lớn”.

Xem thêm

Vốn FDI 4 tháng đầu năm vào Việt Nam đạt 9,27 tỷ USD

Vốn FDI 4 tháng đầu năm vào Việt Nam đạt 9,27 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2024 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước...

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…