Thị trường bếp Việt Nam: "Miếng bánh" ngon nhưng không dễ xơi

Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp kinh doanh bếp từ, hồng ngoại bởi người tiêu dùng đang trong quá trình chuyển từ bếp gas sang các loại bếp trên. Tuy nhiên "miếng bánh" liệu có dễ “xơi” khi hàng giả, hàng nhái đang được bán tràn lan với nhiều mẫu mã bắt mắt, giá cả đa dạng…

Ảnh chụp Màn hình 2023-11-01 lúc 1.16.17 SA.png
Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại bếp từ, bếp hồng ngoại

Theo số liệu từ Tổng Cục Quản lý thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục đã xử lý gần 24.000 vụ việc hàng giả và hàng hóa vi phạm, trong đó xử lý 233 vụ việc trên lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy nhiên, những vụ việc đó vẫn chưa minh họa hết bức tranh về vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.

NHU CẦU THỊ TRƯỜNG LỚN

Trong khoảng 10 năm qua, nhiều hãng sản xuất bếp từ, bếp hồng ngoại cũng có sự tăng trưởng ngoạn mục trên thị trường Việt Nam. Và dự báo còn nhiều triển vọng tích cực trong thời gian tới.

Bà Christiane Donndorf, Giám đốc cao cấp Marketing Châu Á, SCHOTT AG phát biểu tại sự kiện.jpg
Bà Christiane Donndorf, Giám đốc tiếp thị cấp cao Schott Ceran® khu vực châu Á phát biểu tại sự kiện

Các chuyên gia có mặt tại phiên tọa đàm về cơ hội và thách thức đối với thị trường bếp từ, bếp hồng ngoại Việt Nam vào chiều 31/10 cũng nhận định, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng bởi người tiêu dùng đang trong quá trình chuyển đổi từ bếp gas sang bếp từ, bếp hồng ngoại bởi tính tiện dụng cũng như sự an toàn của nó mang lại.

Bên cạnh đó, dân số Việt Nam trẻ với tốc độ nắm bắt sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ nhanh là động lực để tăng trưởng những sản phẩm mang tính xu thế như bếp từ, hồng ngoại.

Ngoài ra, họ cũng là đối tượng ngày càng chú ý đến các thiết bị nhà bếp chất lượng cao và tiết kiệm năng lượng.

Trong khi đó, các nhà sản xuất bếp tại Việt Nam cũng rất chịu khó tìm tòi sản phẩm để đưa những sản phẩm tốt nhất trên thế giới vào thị trường nội địa với những ưu điểm nổi trội như: Sản phẩm được làm từ những vật liệu thiên nhiên, dẫn nhiệt trực tiếp giúp rút ngắn thời gian nấu nướng, tiết kiệm năng lượng so với bếp gas hoặc bếp điện thông thường…

Bà Christiane Donndorf, Giám đốc tiếp thị cấp cao Schott Ceran® khu vực châu Á cho biết thêm: “Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam coi trọng những bữa ăn đủ dinh dưỡng cho gia đình, nhưng họ thường không có nhiều thời gian để nấu nướng và dọn dẹp. Họ cần những loại bếp dễ sử dụng, bền và tiết kiệm năng lượng. Do đó, chúng ta có thể thấy chất lượng và sự tiện lợi là hai yếu tố then chốt ảnh hưởng tới quyết định mua hàng”.

… NHƯNG "MIẾNG BÁNH" BỊ CHIA NĂM, XẺ BẢY

Tiềm năng trên được các chuyên gia nhận định là “miếng bánh ngon” cho các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh mặt hàng bếp tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên “miếng bánh” thị phần của các doanh nghiệp chân chính đang bị “chia năm, xẻ bảy” bởi hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ khiến họ khó cạnh tranh cũng như bị thiệt hại lớn về tài chính.

Ông Phùng Mạnh Cường, Tổng giám đốc Teko (Kocher) chia sẻ tại tọa đàm.jpg
Tọa đàm về cơ hội và thách thức đối với thị trường bếp từ, bếp hồng ngoại Việt Nam

Đơn cử, một số sản phẩm Schott Ceran® giả đang được bày bán tại Việt Nam với giá thấp hơn đáng kể so với hàng chính hãng. Những sản phẩm giả mạo chất lượng thấp này có khả năng chịu nhiệt và độ bền cơ học kém, dẫn đến tình trạng quá tải gây nóng, chảy, chạm mạch, nguy cơ rò rỉ điện cao…

Đây là lý do vì sao, thời gian qua có không ít người tiêu dùng phản ánh sử dụng bếp từ hay hồng ngoại bị vỡ mặt kính, thậm chí chập điện, cháy IC điều khiển, gây nguy hiểm khi sử dụng.

Trước thực trạng này, bà Phạm Thị Ngọc Dung, Luật sư cao cấp công ty luật Baker McKenzie Việt Nam (BMVN) cho rằng, những sản phẩm Schott Ceran® giả không chỉ gây tổn hại đến thương hiệu và hoạt động kinh doanh của Schott AG cũng như các thương hiệu bếp hàng đầu Việt Nam, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng Việt Nam.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ khiến các doanh nghiệp chân chính khó cạnh tranh cũng như bị thiệt hại lớn về tài chính.

“Với tư cách là đại diện pháp lý của Schott AG tại Việt Nam, BMVN sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Schott AG và các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Schott và chống lại mọi hành vi xâm phạm hoặc lạm dụng thương hiệu Schott Ceran® - nhãn hiệu đã được đăng ký và bảo hộ tại Việt Nam”, bà Dung khẳng định.

Chia sẻ vấn đề này tại tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ” diễn ra vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, mặc dù trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng thực trạng này vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn.

Để chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định, cần sự tham gia của ba bên gồm người sản xuất, người bán hàng và người tiêu dùng. Đồng thời, phải ưu tiên những hoạt động mang tính phòng ngừa, tuyên truyền để thay đổi suy nghĩ, hành vi của người tiêu dùng; cung cấp cho người tiêu dùng những dấu hiệu để nhận biết hàng giả, hàng nhái. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong phát hiện vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm