Như đã đưa, Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định điều chỉnh giảm thêm một loạt mức lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5.
Đây là lần thứ ba trong 3 tháng qua Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành. Trước đó, trong tháng 3 và tháng 4/2023, cơ quan này đã hai lần điều chỉnh một số chỉ tiêu lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 1%/năm nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Cổ phiếu ngân hàng rực lửa
Sau thông tin trên, thị trường chứng khoán kết thúc phiên giao dịch ngày 24/5 với sắc đỏ. Chỉ số VN-Index giảm 4,06 điểm, tương đương 0,38%, xuống 1.061,79 điểm.
Cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn đều giao dịch kém khả quan khi chỉ số VN30-Index và VNMID-Index giảm lần lượt 0,61% và 0,54%, trong khi cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn giao dịch tích cực khi chỉ số VNSML-Index tăng 0,54%.
Đi vào từng nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng "rực lửa" khi hầu hết chìm trong sắc đỏ. Các mã giảm đáng kể gồm: TCB giảm 1,81%, STB giảm 1,97%, VIB giảm 1,41%, LPB giảm 1,07%, MSB giảm 1,23%.
Cổ phiếu chứng khoán phân hóa mạnh khi SSI giảm 0,66%, VND giảm 2,13%, HCM giảm 1,31% nhưng VCI tăng 0,44%, FTS tăng 5,76%, CTS tăng 6,15%, ORS tăng 3,31%, BSI tăng kịch trần.
Nhóm bất động sản diễn biến tương đối khả quan với phần lớn cổ phiếu ghi nhận sắc xanh. Trong đó, VHM tăng 1,49%, DIG tăng 1,21%, HHV tăng 1,45%, CII tăng 2,46%, LCG tăng 3,09%, KHG tăng 3,62%, TIP tăng 2,01%, ITA tăng kịch trần. Số ít cổ phiếu ghi nhận sắc đỏ có thể kể đến KBC giảm 1,12%, NLG giảm 1,38%, CTD giảm 1,82%.
Có phần trái ngược, nhóm sản xuất giao dịch khá tiêu cực. Theo đó, VNM giảm 1,04%, HPG giảm 1,84%, SAB giảm 0,31%, GVR giảm 1,83%, DGC giảm 1,17%, DCM giảm 1,26%, DPM giảm 1,73%, SBT giảm 1,22%, BMP giảm 2,11%, NKG giảm 1,99%. Nổi bật nhất trong nhóm tăng điểm là MSN với mức tăng 1,99%.
Cổ phiếu năng lượng và bán lẻ trong tình trạng tương tự: GAS giảm 0,75%, POW giảm 1,1%, PLX giảm 0,53% trong khi PGV tăng 0,2%; MWG giảm 0,78%, PNJ giảm 0,97% nhưng FRT tăng 0,16%.
Cổ phiếu hàng không đồng loạt giảm nhẹ. Cụ thể, VJC và HVN lần lượt mất đi 0,3% và 0,79% giá trị.
Toàn sàn HoSE có 168 mã tăng giá, 55 mã đứng giá tham chiếu và 215 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh vẫn giữ ở mức khá, đạt 11.357 tỷ đồng.
Tâm lý “nguội” nhanh chóng
Bình luận về phản ứng của thị trường, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wi Group cho biết: “Cá nhân tôi cho rằng quyết định giảm lãi suất lần này khó tác động mạnh đến thị trường chứng khoán. Bởi thị trường chỉ phản ứng ngược chiều mạnh mẽ với diễn biến lợi suất khi có sự đảo ngược "thanh khoản" đi kèm, nếu không thì hoạt động của thị trường sẽ khá yếu ớt. Trên thực tế, thị trường cũng phản ứng có phần nhạt nhoà trong 2 lần giảm lãi suất trước đó”.
Ông Báu lưu ý, với thời điểm hiện tại, nếu lãi suất giảm thì sự đồng bộ vẫn yếu, thanh khoản hệ thống chỉ ở mức cân bằng và cung tiền gần như đình trệ. Không khó để phán đoán tác động của đợt giảm lãi suất đến thị trường lần này cũng sẽ không đủ mạnh để thị trường có một sự bứt tốc mạnh mẽ vào lúc này.
Mặt khác, đôi khi "tin tốt ra lại là bán", bởi vì tại những vùng trũng thông tin, thị trường đều kỳ vọng hết vào một tin tốt nên dòng tiền đã gia nhập trước đón đầu. Đến khi tin ra và đen hơn là giá phản ứng chậm với tin thì dòng tiền đi trước này sẽ mau lẹ chốt, áp lực là không nhỏ.
“Thị trường chứng khoán đi ngược với xu hướng lợi suất trái phiếu chính phủ và độ trễ thường 1-3 tháng. Thay vì đau đầu dự đoán thị trường, tôi cho rằng nhà đầu tư nên dành nguồn lực dự báo xu hướng của lợi suất”, ông Báu nhấn mạnh.
Diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ trong ngắn hạn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến lãi suất liên ngân hàng, thị trường mở và thanh khoản hệ thống. Những yếu tố trên phụ thuộc vào lãi suất chính sách, ý chí tạo lập của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành thị trường mở và mức độ ách vốn.
Như vậy rõ ràng lãi suất điều hành giảm sẽ kéo theo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu giảm. Xét về cả lý thuyết mô hình định giá và sự kỳ vọng thì diễn biến này đều ủng hộ tích cực cho tài sản tài chính.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thông tin này đã được đa số nhà đầu tư dự báo trước. Do đó, khả năng cao chỉ tâm lý tích cực là có nhưng sẽ nhanh chóng “nguội”, thậm chí tin ra là bán. Bởi thực chất, nhà đầu tư cũng nhìn nhận vấn đề giảm lãi suất phải tác động từ từ chứ không thể một sớm một chiều.
Theo phân tích của ông Minh, khi giảm lãi suất thì nhóm ngành nào cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên hai nhóm cổ phiếu sẽ hưởng ứng “nhiệt tình” nhất trước thông tin giảm lãi suất và chứng khoán và ngân hàng.
Đối với nhóm chứng khoán, chuyên gia Yuanta cho rằng đây là nhóm cổ phiếu hưởng lợi nhất. Bởi hoạt động kinh doanh các công ty chứng khoán phụ thuộc lớn vào biến động lãi suất, vì liên quan mật thiết đến hoạt động cho vay margin. Do đó, chi phí đầu giảm sẽ ảnh hưởng đến NIM các công ty chứng khoán.
Đối với nhóm ngân hàng, ông Minh cho rằng cũng sẽ phản ứng tích cực, song chỉ những ngân hàng có tỷ lệ case tốt.
Theo dự báo của chuyên gia, từ đây đến hết tháng 5 thị trường sẽ chịu áp lực điều chỉnh. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều là penny và midcap, vốn hoá lớn sẽ có xu hướng điều chỉnh ít hơn. Tuy nhiên, mức điều chỉnh VN-Index không quá mạnh chỉ dao 1.050 -1.055.
“Tôi cho rằng thị trường từ đây đến hết tháng 6 vẫn lình xình đi ngang, thanh khoản thấp. Tuy nhiên, sau tháng 6 thị trường sẽ bước vào trend rõ ràng hơn trước những động thái mới của Ngân hàng Nhà nước. Khi chỉ số thoát khỏi biên độ hẹp 1.020 - 1.080 điểm, dòng tiền gia tăng mạnh hơn”, ông Minh dự báo.