Thị trường chứng khoán quý 2/2023: “Lình xình” đi ngang, nhóm điện, dầu khí sáng giá

Dự báo về triển vọng lợi nhuận các nhóm ngành quý 2/2023, chứng khoán KB Việt Nam đánh giá, nhóm điện, dầu khí, công nghệ thông tin sẽ có những triển vọng tích cực về giá cổ phiếu và lợi nhuận. Trong khi đó nhóm ngành ngân hàng, thép, bất động sản được khuyến nghị trung lập, sẽ diễn biến đi ngang...
cổ phiếu

Thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến đi ngang trong cả quý 1 với các nhịp tăng giảm ngắn đan xen. Tính cho đến hết ngày 30/3/2023, chỉ số VN-Index tăng 5% về điểm số, trong khi giá trị giao dịch bình quân phiên giảm 5% so với cùng kỳ…

Biến động theo diễn biến lãi suất

Giai đoạn 1 của quý 1/2023 diễn ra trong tháng 1, thị trường chứng kiến sự phục hồi mạnh trên diện rộng nhờ động lực đến từ xu hướng hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất huy động và cho vay kết hợp với xu hướng mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại.

Giai đoạn 2 là phần còn lại của quý 1, thị trường biến động giằng co theo xu hướng giảm trước các thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước cũng như rủi ro đến từ hệ thống ngân hàng toàn cầu trước các sự kiện Silicon Valley Bank và Credit Suisse.

Theo quan sát từ nhóm chuyên gia chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), thị trường chứng khoán Việt Nam có biến động tương quan chặt chẽ với diễn biến mặt bằng lãi suất, có thể quan sát thấy từ biến động P/E của chỉ số VN-Index và mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân của 4 ngân hàng quốc doanh. Trong đó, mối tương quan thể hiện rõ trong 2 giai đoạn mặt bằng lãi suất có biến động mạnh là giai đoạn 2008-2013 và 2020-2022.

Với kỳ vọng xu hướng hạ lãi suất, bắt đầu từ cuối tháng 1 cho đến nay, sẽ tiếp diễn trong thời gian tới khi mà các yếu tố gây áp lực như lạm phát, tỷ giá và thanh khoản hệ thống ngân hàng đã hạ nhiệt, kết hợp với các chính sách điều hành của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước chứng khoán KB kỳ vọng đây sẽ là yếu tố hỗ trợ chính giúp định giá chỉ số VN-Index (theo P/E) được cải thiện từ nay đến cuối năm. 

Đối với dự báo triển vọng thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm, KBSV hạ nhẹ dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HOSE từ mức 8,05% trong báo cáo năm xuống mức 5% (phản ánh tiềm năng tăng trưởng suy yếu sau số liệu quý 4/2022 gây thất vọng).

Tuy nhiên, nâng mức P/E phù hợp của thị trường từ 14,1 lần đưa ra trong báo cáo năm lên mức 14,3 lần (phản ánh kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ giảm nhanh hơn so với mức dự báo đưa ra thời điểm đầu năm trước việc Ngân hàng nhà nước hạ lãi suất điều hành, cũng như chính sách ôn hoà hơn từ FED). Theo đó, mức điểm VN-Index mục tiêu cuối năm không đổi ở 1.236 điểm.

Xét riêng trong quý 2/2023, chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, xu hướng hạ lãi suất trong nền kinh tế, cũng như các tín hiệu tích cực hơn từ chính sách điều hành của Fed sẽ là yếu tố chính hỗ trợ xu hướng thị trường. Ở chiều ngược lại, có 2 yếu tố tiềm năng gây áp lực khiến thị trường điều chỉnh là các thông tin liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nguy cơ đổ vỡ của hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Do đó, nhóm phân tích công ty chứng khoán KB Việt Nam nhận định 2 yếu tố trên sẽ căng thẳng nhất vào quý 2 và quý 3 năm nay, khi mà áp lực đáo hạn trái phiếu trong nước là rất lớn, trong khi đỉnh lãi suất điều hành của các Ngân hàng trung ương sẽ rơi vào cuối quý 2 trước khi có thể giảm dần từ quý 3.

Với cơ sở đó, KBSV cho rằng thị trường có cơ hội bứt phá mạnh mẽ ngay trong quý 2, khi mà các yếu tố rủi ro đang có phần chiếm ưu thế. Các nhịp tăng/giảm đan xen sẽ xuất hiện với xu hướng chung là đi ngang xuyên suốt cả quý. 

Cổ phiếu ngành điện, dầu khí, công nghệ thông tin “sáng giá”

Dự báo về triển vọng lợi nhuận các nhóm ngành quý 2/2023, chứng khoán KB Việt Nam đánh giá, nhóm điện, dầu khí, công nghệ thông tin sẽ có những triển vọng tích cực về giá cổ phiếu và lợi nhuận. Trong khi đó nhóm ngành ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, cảng biển, thép được tổ chức chứng khoán này khuyến nghị trung lập, sẽ diễn biến đi ngang trong quý 2/2023.

KBSV cho rằng, các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng 2 con số trong năm 2023. Các cơ hội đầu tư có thể xem xét bao gồm nhóm cổ phiếu có hoạt động xuất khẩu phần mềm, chuyển đổi số mạnh mẽ như FPT và CMG, đang được giao dịch ở vùng giá ngang giá đầu năm 2022, có định giá thấp hơn tương đối so với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực.

Đối với ngành dầu khí, giá cổ phiếu nhóm này đã phục hồi khá tốt kể từ thời điểm tháng 11, thể hiện phần nào triển vọng kết quả kinh doanh. Cổ phiếu dầu khí thường biến động khá mạnh, tương quan với giá dầu. 

Với triển vọng ngành tương đối tích cực, KBSV cho rằng các cổ phiếu dầu khí sẽ vẫn là những cơ hội tốt để các nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ và có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng nếu cổ phiếu rơi về mức định giá hấp dẫn tùy theo khẩu vị rủi ro.

Nhóm ngành điện cũng sẽ diễn biến tích cực và có sự phân hóa giữa các nhóm nguồn phát. Với diễn biến giá của các cổ phiếu hiện tại, đặc biệt là nhóm ngành nhiệt điện khí và thuỷ điện với các đại diện là NT2 và VSH, chứng khoán KB nhận thấy giá các cổ phiếu này đã phản ánh một phần kỳ vọng của thị trường triển vọng ở kết quả kinh doanh. 

Mặc dù vẫn có quan điểm tích cực về ngành, KBSV khuyến nghị các nhà đầu tư chỉ nên tham gia mở vị thế với các cổ phiếu ngành điện khi giá đã điều chỉnh sâu và xuất hiện các mức upside đủ hấp dẫn theo khẩu vị của từng nhà đầu tư.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp ngành bán lẻ vẫn chịu ảnh hưởng xấu từ sự suy giảm sức mua của người tiêu dùng. Tác động lan tỏa của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với ngành bán lẻ bắt đầu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp từ quý 4/2022, diễn biến này dự kiến sẽ vẫn kéo dài trong nửa đầu năm nay. 

Tương tự, giá cổ phiếu ngành bất động sản đã có điều chỉnh 10-15% so với thời điểm đầu năm phản ánh những thông tin tiêu cực liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

KBSV cho rằng, các nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu ngành bất động sản có mức giá đã điều chỉnh sâu và có triển vọng kết quả kinh doanh tốt với quỹ đất sạch lớn có đầy đủ pháp lý và có cơ cấu tài chính an toàn, có các dự án đang mở bán tiến độ bán hàng khả quan đảm bảo được dòng tiền là các cơ hội đầu tư đáng chú ý, tiêu biểu là các cổ phiếu VHM, KDH, NLG.

Tiếp đó, KBSV cũng duy trì quan điểm trung lập với ngành ngân hàng trong quý 2/2023. Các mã cổ phiếu ngân hàng được công ty chứng khoán này lựa chọn vẫn là BID, VCB, ACB, MBB, STB. Đối với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, KB Việt Nam đánh giá cao VCB vì sự an toàn và ổn định trong hoạt động.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

Nasdaq và S&P 500 đã khép lại phiên giao dịch thứ Hai với mức tăng nhẹ, hồi phục một phần tổn thất sau nhiều phiên giảm trước đó. Các nhà đầu tư hiện đang háo hức chờ đợi báo cáo lợi nhuận quý của Nvidia…

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

Sau khi nâng vốn lên 19.613 tỷ đồng, TCBS vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành chứng khoán về vốn điều lệ, vượt qua Chứng khoán SSI. Tuy nhiên, “ngôi vương” này có thể sẽ sớm đổi chủ khi SSI đang triển khai chào bán 151,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 18.130 tỷ đồng lên 19.641 tỷ đồng...

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Đồng USD mạnh lên có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam để quay lại thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc chiết khấu định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương tự như những gì xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump...

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Mặc dù xu hướng trung hạn đang là đi ngang nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục nghiêng về chiều giảm. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì một vị thế nắm giữ ở mức an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá trong các nhịp hồi phục...