Thị trường chứng khoán tăng mạnh, sao doanh nghiệp không "mặn mà" chuyện lên sàn?

Trong khi thị trường chứng khoán khởi sắc về cả điểm số và thanh khoản thì số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn lại rất hạn chế...
Thị trường chứng khoán tăng mạnh, sao doanh nghiệp không "mặn mà" chuyện lên sàn?

Hàng loạt chính sách hỗ trợ đã được ban hành kể từ tháng 3 nhằm tháo gỡ những khó khăn mà nền kinh tế đang gặp phải... tạo bước đệm giúp thị trường chứng khoán vận động khởi sắc hơn trong quý 2/2023.

Trong tháng 6, thị trường chứng khoán Việt Nam giữ vững đà tăng khi tiếp tục nhận được động lực từ quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 của Ngân hàng Nhà nước. Chỉ số VN-Index kết phiên ngày 30/6 ở ngưỡng 1.120,2 điểm, tăng +4,2% so với tháng 5.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết mới "èo uột"

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, nhấn mạnh rằng thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn giữ vững hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn, mặc dù trải qua nhiều biến động mạnh. Xét  về tổng thể,  tình hình kinh tế - xã hội phát triển khả quan, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả là những yếu tố tạo nền tảng tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo thống kê từ SSI Research, trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số VN-Index đã tăng +11,2%, vượt trội so với một số chỉ số chính trong khu vực Đông Nam Á và ngang bằng với chỉ số chung của các thị trường mới nổi (MSCI EM Index tăng +11,65%).

Theo số liệu từ ABS, thanh khoản của thị trường chứng khoán hồi phục ấn tượng trong tháng 6 với giá trị giao dịch trung bình phiên trên HOSE đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng +38% so với tháng 5 và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Trong khi thị trường chứng khoán khởi sắc về cả điểm số và thanh khoản thì số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn lại rất hạn chế. Từ đầu năm 2023 đến nay, tại HOSE có duy nhất 1 mã cổ phiếu mới niêm yết là PVP của Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương và dự kiến có thêm 2 mã đang chuẩn bị lên trong tháng 7-8 này là ADP của Sơn Á Đông và SIP của Đầu tư Sài Gòn VRG. Cả ba mã đều chuyển từ UPCoM sang.

Sàn HNX cũng chỉ ghi nhận 3 “tân binh” là DTG của Dược phẩm Tipharco, PPT của Petro Times và KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV lên sàn trong 6 tháng đầu năm.

Đối với UPCoM là 3 doanh nghiệp mới đăng ký giao dịch là GPC của Tập đoàn Green+, VMT của Giao nhận Vận tải miền Trung, VNZ của VNG. Ngược lại, có 22 doanh nghiệp bị chuyển từ sàn HNX xuống UPCoM do hoạt động kinh doanh sa sút, nhiều năm thua lỗ.

Quay lại thời điểm năm 2018 được coi là năm tồi tệ nhất với thị trường chứng khoán trong thập kỷ qua, tuy nhiên thị trường vốn tính đến ngày 10/12/2018 vẫn đón chào 22 “tân binh” niêm yết trên HOSE, 6 đơn vị trên HNX và có đến 122 doanh nghiệp giao dịch UPCoM. Do vậy, không thể nói chứng khoán tăng thì doanh nghiệp mới lên sàn.

thị trường chứng khoán
VN-Index tăng vượt trội so với khu vực

Phân tích nguyên nhân của nghịch lý trên, tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán” ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực VASB, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SBS cho biết, từ năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng biến động dữ dội với nhiều sự kiện lớn nảy sinh, gây tác động đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bức tranh thị trường bộc lộ nhiều mảng sáng, tối đan xen, trong đó mảng tối dường như chiếm ưu thế.

Trong bối cảnh đó, 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn rất hạn chế, chỉ "đếm trên đầu ngón tay”. Ông Huỳnh cho rằng nguyên nhân sâu xa đến từ cả sự chủ quan, lẫn khách quan; còn Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch vẫn đang tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi lên sàn, tạo điều kiện phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, hướng đến lợi ích chung.

Doanh nghiệp có "ngại" lên sàn?

Theo ông Phan Quốc Huỳnh, trong 3 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, từ dịch bệnh cho đến chiến tranh, suy thoái toàn cầu. Thị trường chứng khoán hay bất cứ thị trường nào cũng sẽ vận hành theo đúng quy luật của nó, nếu muốn phát triển một cách lâu dài, bền vững, thì sự "thanh lọc" là khó tránh khỏi.

“Bất cứ thị trường chứng khoán nào trên thế giới cũng phải có sự thanh lọc, kể cả phố Wall có lịch sử hàng trăm năm cũng không tránh khỏi những sự việc hy hữu. Thị trường Việt Nam mới trải qua hơn 20 năm, phải bắt đầu từ những bước đi chập chững trước khi hoàn thiện bản thân, tìm đến sự bứt phá dài hơi... Bản thân tôi là một người theo dõi và tham gia thị trường chứng khoán từ khi chưa vận hành. Tôi quan niệm thị trường chứng khoán là "chợ", có người mua và có người bán, và cũng có người tử tế có người không”, ông Huỳnh nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp đang chật vật đối phó với những khó khăn về tài chính để tồn tại. Trong khi, các điều kiện lên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng của doanh nghiệp phải thuộc hạng tốt, với báo cáo tài chính sạch sẽ, có lợi nhuận tối thiểu 1-2 năm. Theo đánh giá của ông Huỳnh, nhìn chung, nội tại sức khỏe của doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến tình trạng doanh nghiệp niêm yết trên sàn đang ở mức hạn chế như hiện nay.

Bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng bày tỏ những quan điểm riêng, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay chưa đa dạng về các loại hàng hóa. Số lượng nhà đầu tư các năm qua tăng trưởng nhưng lượng hàng hóa lại chưa đủ để cung cấp.

Theo bà Trần Thị Lan Anh: “Quan trọng là bản thân các doanh nghiệp đang chưa nắm rõ về lợi ích, cũng như điều kiện để niêm yết trên sàn. Bản thân một số doanh nghiệp quy mô lớn mà không có nhu cầu niêm yết vì họ cảm thấy bị "đánh đồng" với các doanh nghiệp có hoạt động thiếu minh bạch. Trong nhưng năm vừa qua, có một vài doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng tới uy tín của các doanh nghiệp niêm yết chung. Tôi cho rằng, đó là nguyên nhân chính của hiện trạng này”.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Võ Thanh Tuấn, Trưởng phòng đăng ký chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) nhận xét, hiện tại nhiều doanh nghiệp cũng như tổ chức phát hành chưa nắm bắt được các quy định khi đăng ký chứng khoán niêm yết.

“Trên cơ sở Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 155, thông tư 119 của Bộ Tài chính... đều được xây dựng một cách kịp thời để đảm bảo sự phát triển của thị trường. Vì vậy, VSD luôn lắng nghe ý kiến của các thành tham gia thị trường để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp cũng như giúp quá trình niêm yết diễn ra thuận lợi hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ và nắm rõ về các mốc thời gian trong quá trình niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường”..

Đứng dưới góc độ là đơn vị tư vấn doanh nghiệp, ông Bùi Đình Như, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam thời điểm này có thể coi là giai đoạn gián đoạn hàng hóa trên thị trường chứng khoán.

thị trường chứng khoán
Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán”

Ông Bùi Đình Như cũng chỉ rõ 2 nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp đã đủ điều kiện theo quy định để trở thành công ty đại chúng, nhưng lại không được cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận. Thứ nhất, do quá trình tăng vốn của doanh nghiệp trước khi nộp hồ sơ, đã xảy ra trong quá khứ mà không thể sửa được. Ông Như đưa ra ví dụ, có doanh nghiệp thành lập từ năm 2007, đến nay đã 15 lần tăng vốn nhưng không thông qua ngân hàng nên bị loại trừ.

Thứ hai là báo cáo kiểm toán. Các đơn vị kiểm toán có vai trò tư vấn doanh nghiệp, nhưng cứ sai là loại trừ thì doanh nghiệp cũng không thể xem xét hồ sơ đại chúng. Hiện tượng này xảy ra sẽ an toàn cho công ty kiểm toán, nhưng doanh nghiệp không lên được sàn.

“Vậy chúng ta phải làm sao để đúng quy định của một kế toán, kiểm toán nhưng vẫn hỗ trợ cho doanh nghiệp thì đó mới là người làm kiểm toán chân chính?”, ông Như nhấn mạnh.

Có thể nói, ngoại trừ những doanh nghiệp Nhà nước, thì 99% doanh nghiệp tư nhân chưa đủ điều kiện để trở thành công ty đại chúng để lên sàn mà phải trải qua một quá trình tái cấu trúc. Thậm chí có những doanh nghiệp “né” thuế, mua hóa đơn, tăng chi phí, giảm doanh thu, đỡ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp...

Theo đó, ông Như cho rằng, muốn thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, những đơn vị trung gian phải giúp cho doanh nghiệp nhận thức rõ ràng được những cơ hội và thách thức khi lên sàn chứng khoán. Tiếp đó, cũng cần nâng cao về tính minh bạch và cho các doanh nghiệp hiểu ý nghĩa của sự lành mạnh, lâu dài và bền vững khi phát triển.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

“Ông già Noel” mang sắc xanh tới Phố Wall

“Ông già Noel” mang sắc xanh tới Phố Wall

Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều kết thúc phiên thứ Ba trong sắc xanh, với đà tăng trưởng của các cổ phiếu công nghệ lớn là động lực chính trong phiên giao dịch rút ngắn dịp Giáng sinh…

VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ

VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ

Việc xuất hiện lực cầu gia tăng khi chỉ số quay về vùng 1.250-1.260 điểm cho thấy đây là mốc hỗ trợ đáng tin cậy của thị trường trong ngắn hạn. Chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ với kháng cự gần nhất là vùng 1.280 điểm...

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

Nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động do tăng trưởng GDP có thể chậm lại và đồng VND chịu áp lực. Tuy nhiên, triển vọng tích cực hơn được kỳ vọng vào cuối năm khi các yếu tố này có thể đảo chiều, mở ra cơ hội phục hồi...

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vào thứ Sáu khi báo cáo lạm phát mới và bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm dịu bớt lo ngại về tình hình tăng lãi suất vào năm sau…