Thị trường điện thoại gập: “Đế chế” Samsung đang bị đe dọa?

Samsung vẫn là nhà sản xuất dẫn đầu về điện thoại gập, nhưng thị phần của hãng đang giảm dần do sự cạnh tranh từ các đối thủ...

Giá điện thoại màn hình gập vẫn còn cao

Cuối năm 2019, Samsung đã chính thức ra mắt mẫu điện thoại màn hình gập đầu tiên của hãng, mang tên Galaxy Fold. Thiết bị có màn hình gập ngang, đóng vào mở ra như một cuốn sách.

Vài tháng sau, đến lượt Galaxy Z Flip trình làng. Thiết bị có màn hình gập dọc, dạng vỏ sò, nhỏ gọn phù hợp để cho vào túi quần. Kể từ đó, Samsung đã phát hành 4 phiên bản nâng cấp cho Galaxy Fold và Galaxy Z Flip.

SAMSUNG VẪN LÀ VUA

Samsung hiện đang nắm giữ doanh số và thị phần điện thoại gập lớn nhất trên toàn cầu. Theo báo cáo Financial Times dựa trên nghiên cứu của Canalys, Samsung đã chiếm hơn 80% thị phần điện thoại gập toàn cầu trong năm 2022, xuất xưởng gần 12 triệu chiếc. Trong khi đó, nhà sản xuất đứng thứ hai là Huawei, xuất xưởng chưa đến 2 triệu điện thoại gập. Các nhà sản xuất khác như Oppo, Vivo, Xiaomi và Honor đều xuất xưởng dưới 1 triệu chiếc trong năm 2022.

Sức hấp dẫn của điện thoại gập Samsung không chỉ thu hút khách hàng mới mà còn thúc đẩy người dùng chuyển đổi thương hiệu đang sử dụng sang Galaxy Z. Theo khảo sát của Samsung năm 2021, so với Galaxy Note 20, tỷ lệ người tiêu dùng chuyển từ điện thoại khác sang Galaxy Z Flip tăng 150%.

Theo báo cáo của Counterpoint Research, thị trường điện thoại gập toàn cầu đã tăng trưởng 10% trong quý 2/2023, đạt 2,1 triệu chiếc. Đây là mức tăng trưởng trái ngược với thị trường điện thoại thông minh nói chung, với số lượng xuất xưởng giảm 9%, đạt 268 triệu chiếc.

Thị trường Trung Quốc là nhân tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng điện thoại gập. Trong quý 2/2023, doanh số điện thoại thông minh tại Trung Quốc giảm 4%, nhưng thị trường điện thoại gập lại tăng trưởng 64%, đạt 1,2 triệu chiếc. Trung Quốc hiện chiếm 58,6% thị phần điện thoại gập toàn cầu.

Sự tăng trưởng chủ yếu do sự ra đời của nhiều thiết bị gập phù hợp và nhu cầu mạnh mẽ từ người tiêu dùng Trung Quốc. Trong quý 2/2023, các sản phẩm chủ chốt như Huawei Mate X3, vivo X Fold 2 và X Flip đã được ra mắt. Ngoài ra, việc ra mắt toàn cầu của Motorola Razr 40 và Razr 40 Ultra cũng góp phần vào xu hướng tăng trưởng này.

Ông Jene Park, chuyên gia phân tích cấp cao của Counterpoint Research, cho rằng: "Người tiêu dùng Trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cận nhiều loại sản phẩm gập hơn bất kỳ thị trường nào khác trên thế giới. Việc liên tục tung ra nhiều sản phẩm gập khác nhau được coi là một trong những lý do quan trọng khiến thị trường màn hình gập ở Trung Quốc tiếp tục có sự tăng trưởng đáng kể so với các thị trường khác."

Samsung vẫn là nhà sản xuất điện thoại thông minh có thể gập lại hàng đầu, nhưng thị phần của thương hiệu đến từ Hàn Quốc đã giảm trong những năm gần đây. Do các đối thủ cạnh tranh của Samsung như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi cũng đang dần gia nhập thị trường và có những bước tiến đáng kể.

NHƯNG NGÔI VƯƠNG ĐANG LUNG LAY

Theo ông Park, thị phần Samsung có thể sẽ giảm do cạnh tranh từ các thương hiệu khác. Tuy nhiên, ông cho rằng, sự cạnh tranh này sẽ làm tăng quy mô thị trường điện thoại gập. Do đó, ông dự đoán kỷ nguyên “đại trà” của điện thoại gập sẽ bắt đầu vào năm 2024, với sự dẫn đầu của Samsung và Huawei. “Hai hãng trên dự kiến sẽ tung ra các thiết bị gập cấp thấp có giá khoảng 600–700 USD, giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn”, ông nói.

Các thương hiệu, dù đi sau Samsung, vẫn đang ngày càng gia tăng sức mạnh, với những sản phẩm và giá cả cạnh tranh. Ví dụ, Pixel Fold đời 1 được bán với giá 1.799 USD bằng với Galaxy Z Fold tại thị trường Mỹ. Google cam kết sẽ cập nhật cho Pixel Fold 3 bản cập nhật Android và 5 năm cập nhật bảo mật.

Gần đây, mẫu điện thoại gập Xiaomi MIX Fold 3 cũng đã ra mắt tại thị trường Trung Quốc với giá bán khởi điểm 8.999 tệ cho tuỳ chọn bộ nhớ thấp nhất, tương đương khoảng 29,5 triệu đồng. Đây là chiếc điện thoại gập thế hệ tiền nhiệm MIX Fold 2 nhưng được nâng cấp toàn diện từ thiết kế đến camera đến hiệu năng.

Tương tự, Huawei cũng vừa cho ra mắt điện thoại gập Mate X5 tại thị trường Trung Quốc. So với các thế hệ Mate X, X5 được đánh giá có cấu hình mạnh mẽ nhất, nhiều màu sắc lựa chọn và là đối thủ đáng gờm của Samsung Galaxy Fold. Trước đó, Huawei Mate X3 bán ra tại thị trường Trung Quốc có giá 1.999 USD cho bản 256 GB (khoảng 49 triệu đồng).

Một mẫu điện thoại gập khác là OnePlus Open cũng mới được ra mắt với mức giá từ là 1.699 USD (khoảng 41,7 triệu đồng).

Mới đây, Oppo chính thức ra mắt chiếc điện thoại dạng gập ngang đầu tiên tại thị trường Việt Nam là mẫu Find N3. Màn hình của Find N3 có kích thước 7,8 inch khi mở ra, độ phân giải 2K+, tần số quét 120Hz và độ sáng tối đa 2.800 nits. Theo Oppo, nếp gấp màn hình được giấu đi nhờ sử dụng công nghệ nếp gấp tàng hình, mang lại trải nghiệm hiển thị liền mạch.

Oppo Find N3 sở hữu thiết kế màn hình gập kiểu cuốn sách

Find N3 được trang bị hệ thống camera chuyên nghiệp với cụm 3 camera sau gồm camera chính 50MP, góc siêu rộng 48MP và tele 64MP. Hệ thống camera này được tinh chỉnh bởi Hasselblad, mang đến chất lượng hình ảnh ấn tượng.

Máy được trang bị vi xử lý Qualcomm Snapdragon 8 Gen 2, RAM 16GB và bộ nhớ trong 512GB. Viên pin 4.805 mAh và hỗ trợ sạc nhanh SUPERVOOC 67W. Find N3 được bán với giá 45 triệu đồng, so với Samsung Galaxy Z Fold 5 có giá niêm yết từ 40,9 triệu đồng, Find N3 đang có phần thất thế hơn.

Theo đại diện Oppo Việt Nam, với triết lý “không sớm nhất nhưng tốt nhất”, hãng có chiến lược riêng của mình, không chỉ tập trung vào phân khúc doanh nhân. Oppo còn hướng đến nhiều phân khúc khách hàng khác và đã có một cộng đồng lớn ủng hộ trong 10 năm qua.

Counterpoint Research dự báo, số lượng điện thoại gập xuất xưởng năm 2025 sẽ xấp xỉ 55 triệu chiếc, gấp 4 lần so với năm 2022. Thị phần cũng được kỳ vọng tăng gấp đôi trên quy mô toàn cầu, từ 7% lên 16% vào năm 2025.

Có thể bạn quan tâm