Thị trường khách sạn: Triển vọng sáng năm 2022

Việc mở lại các đường bay quốc tế và tỷ lệ tiêm vắc-xin đứng thứ 3 thế giới, ngành du lịch Việt Nam có triển vọng tích cực trong năm 2022 sẽ là “liều thuốc” trợ lực cho thị trường khách sạn thức giấc.
Với việc mở đường bay quốc tế thường lệ và độ bao phủ tỷ lệ vắc-xin cao, thị trường khách sạn 4-5 sao tại Hà Nội và TP.HCM dự kiến sẽ tăng trưởng trong năm 2022. (Ảnh: Int)

Trong năm 2021, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có tác động lớn đến nền kinh tế của Việt Nam nói chung cũng như ngành du lịch Việt Nam nói riêng. TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đã hạn chế việc di chuyển và ảnh hưởng lớn đến du lịch trong nước.

Sau gần 2 năm đóng cửa ngành du lịch từ tháng 3/2020, Việt Nam đã chào đón những du khách quốc tế đầu tiên vào tháng 11/2021, đó là khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia… đến một số khu vực được thí điểm đón khách quốc tế.

Từ tháng 1/2022, Việt Nam đã nối lại các đường bay quốc tế đến các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Úc, Đức, Nga, Pháp, Anh, Mỹ, Malaysia, Thổ Nhĩ Ký, Quatar, UAE, Hồng Kông, Trung Quốc.

Trở lại vấn đề du lịch của năm 2021, Hà Nội đã trải qua một năm khó khăn vì COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến công trình xây dựng của những dự án trọng điểm nên thị trường khách sạn 4-5 sao tại Hà Nội vẫn khá yên tĩnh trong năm vừa qua khi thị trường chỉ chào đón một khách sạn 5 sao mới, Capella Hanoi với 47 phòng tại khu vực trung tâm thành phố vào đầu năm. Tính đến hết năm 2021, tổng số phòng đạt 8.407 phòng đến từ 38 dự án.

Do dịch bệnh kéo dài, giá thuê phòng bình quân trong năm 2021 tiếp tục giảm xuống còn 95,5 USD/phòng/đêm, giảm 5,7% so với năm 2020 và 19,7% so với năm 2019, thời điểm trước khi có đại dịch.

Khách sạn tại Hà Nội được phép tiếp tục chào đón du khách mới vào tháng 10, sau khi các quy định hạn chế về giãn cách xã hội được nới lỏng vào tháng 9. Thêm vào đó, một số khách sạn 4 sao được chuyển thành cơ sở cách ly nhưng những biện pháp này cũng chỉ góp phần nhỏ trong việc phục hồi tình hình hoạt động. Năm 2021, tỉ lệ lấp đầy của thị trường khách sạn Hà Nội đạt 30,6%, tiếp tục giảm 4,5 đpt so với năm 2020 và 50,6 đpt so với năm 2019.

Năm 2022, Việt Nam đang nỗ lực triển khai các giải pháp để có thể sống chung với đại dịch và coi đây là bệnh đặc hữu. Mặc dù số ca nhiễm bệnh đã tăng đáng kể nhưng số ca nặng và ca tử vong vẫn được giữ ở mức tối thiểu nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao.

Mặc dù nguồn cung mới còn hạn chế do khủng hoảng đại dịch đang làm cản trở quá trình xây dựng, nhưng tốc độ tiêm phòng nhanh chóng và việc mở lại đường bay quốc tế vào tháng 1/2022 với những du khách Nhật Bản đầu tiên hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài báo hiệu sự phục hồi của thị trường du lịch Hà Nội.

Tại TP.HCM, sự bùng phát mạnh của làn sóng dịch lần thứ 4 cùng với các đợt giãn cách kéo dài từ cuối tháng 5 đã gây nhiều tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Theo đó, ngành du lịch và khách sạn cũng phải hứng chịu thêm nhiều sức ép mới. Năm 2021, thành phố chỉ đón tiếp 9,4 triệu lượt khách nội địa, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước và khách quốc tế mới hầu như không có. Tính đến hết năm 2021, thị trường khách sạn 4 – 5 sao tại TP.HCM có tổng cộng 11.182 phòng với 51 dự án.

Dịch bệnh tiếp tục là thách thức lớn với lĩnh vực dịch vụ lưu trú, theo đó, tình hình hoạt động của thị trường khách sạn 4 – 5 sao tại TP.HCM chưa ghi nhận nhiều thay đổi tích cực.

Năm 2021, giá phòng bình quân chỉ đạt 72,4 USD/phòng/đêm, giảm 20,6% so với cùng kỳ 2020. Xu hướng khách sạn chuyển đổi mô hình thành cơ sở cách ly có trả phí vẫn khá phổ biến, nhờ vậy công suất phòng được cải thiện dần so với giai đoạn mới bùng phát dịch năm 2020. Công suất phòng bình quân năm 2021 đạt 28,5%, tăng 3,6 điểm phần trăm (đpt) so với cùng kỳ. RevPAR cả năm 2021 chỉ đạt 20,3 USD/phòng/đêm và ghi nhận sự sụt giảm 15% so với cùng kỳ.

Đặc biệt trong Quý 3/2021, TP.HCM áp dụng tăng cường các biện pháp kiểm soát, công suất phòng bình quân trong quý này tăng mạnh lên đến 35,2%, tăng 8 đpt so với quý trước. Tuy nhiên, khi thành phố từng bước quay về trạng thái “bình thường mới”, công suất phòng bình quân Quý 4/2021 đã có sự điều chỉnh nhẹ và duy trì ở mức 25,4%. Thị trường khách sạn 4 – 5 sao sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong ngắn – trung hạn, chủ yếu là do mức giá thuê phòng hiện vẫn neo ở mức tương đối thấp.

Bước sang đầu 2022, Chính phủ đã ban hành văn bản cho phép TP.HCM được phép đón khách du lịch quốc tế trở lại theo chương trình thử nghiệm “hộ chiếu vắc xin” sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường khách sạn 4 – 5 sao của TP.HCM phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm.

Thị trường khách sạn 4 – 5 sao TP.HCM dự kiến sẽ có thêm nguồn cung mới khoảng 2.803 phòng từ 13 dự án, cùng với đó là sự hiện diện của các thương hiệu khách sạn cao cấp mới như Ritz Carlton, Mandarin Oriental, Hotel Indigo, Avani.

Có thể bạn quan tâm