CTCK Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra ba lý do chính của sự sôi động từ các thương vụ IPO và thoái vốn lớn, được quan sát trong những thời gian gần đây sẽ tiếp diễn trong năm 2018.
Thứ nhất, việc nhiều thương vụ vẫn chưa thể hoàn thành trong năm 2017 sẽ được dự kiến sẽ chuyển sang năm sau. Cụ thể, theo kế hoạch thoái vốn được công bố, Nhà nước sẽ tiến hành cổ phần hóa 44 doanh nghiệp, và thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp (trong đó có khoảng 66 doanh nghiệp đang được giao dịch trên HSX, HNX và UPCoM) với nhiều tên tuổi nổi bật như VICEM, IDICO, TCT Lương thực miền Nam, TCT Phát điện 3. Tuy nhiên, tỷ lệ đã thực hiện là không cao do nhiều công ty có cấu trúc hoạt động và tài chính phức tạp, đòi hỏi mất nhiều thời gian cho việc định giá và soát xét.
Thứ hai là đổi lại vấn đề trên, giá trị của các thương vụ sẽ là rất lớn so với các năm trước. Gần đây nhất là việc Thai Beverage mua lại 51% cổ phần của SAB với tổng giá trị gần 110 nghìn tỷ đồng, hay trước đó là thương vụ thoái vốn thành công của VNM với tổng giá trị gần 9 nghìn tỷ đồng. Chỉ riêng hai thương vụ này đã mang về cho Nhà nước số tiền cao hơn 5 năm trước đó cộng lại.
Sự hứng thú của nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp Nhà nước đang chứng minh cho sức hấp dẫn của hoạt động thoái vốn hiện nay. Dựa trên những gì đã diễn ra, VDSC cho rằng có 3 nguyên nhân chính dẫn đến sức hấp dẫn này là thị trường đang khá hưng phấn, nhà đầu tư được mua cổ phần với tỷ lệ lớn và thông tin đầy đủ.
Thứ ba là các thông tư, nghị định gần đây của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn cũng là điểm tích cực đáng chú ý.
Theo đó, nghị định 126/2017/NĐ-CP liên quan đến IPO được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư chiến lược (cắt giảm thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 5 năm xuống 3 năm), đảm bảo thông tin được công khai, minh bạch hơn (trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc IPO, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom). Ngoài ra, phương pháp “dựng sổ” được cho phép sẽ giúp tăng tỷ lệ bán vốn thành công cao hơn so với hiện tại.
Còn đối với thoái vốn, dự thảo sửa đổi Nghị định 91 nếu được thông qua kỳ vọng sẽ rút ngắn và đơn giản hơn quy trình thoái vốn (cắt giảm các bước chuyển nhượng vốn Nhà nước/DNN từ 3 bước, còn 2 bước; việc chuyển nhượng vốn dưới mệnh giá cũng được đề cập).
Như vậy, cùng với sự thành công của các thương vụ IPO, thoái vốn, một lượng vốn đầu tư lớn được kỳ vọng sẽ tiếp tục chảy vào thị trường trong năm sau. Thêm vào đó, hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước được kỳ vọng sẽ hiệu quả và minh bạch hơn cũng là những điểm sáng mà thị trường có thể trông chờ.
Theo Bình Anh/NDH
>> Cổ phần hóa, thoái vốn có “vỡ kế hoạch”?