Thị trường Việt Nam sắp đón 350 triệu USD từ Công ty bất động sản LOGOS của Úc

Công ty bất động sản LOGOS của Úc đang lên kế hoạch để rót 350 triệu USD vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua việc thành lập liên doanh với một nhà đầu tư quốc tế.
Thị trường Việt Nam sắp đón 350 triệu USD từ Công ty bất động sản LOGOS của Úc

Cụ thể, Công ty bất động sản LOGOS, thành viên của công ty quản lý quỹ ARA, có trụ sở tại Sydney, Úc cho biết đã thành lập liên doanh đầu tiên tại Việt Nam: LOGOS Vietnam Logistics Venture. Liên doanh này sẽ có danh mục đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 350 triệu USD.

LOGOS Vietnam Logistics Venture là liên doanh thứ tư của họ trong năm nay, với việc tập đoàn đã huy động được hơn 1 tỷ USD trong toàn khu vực bất chấp sự bất ổn của thị trường. Thông qua liên doanh này, LOGOS và đối tác đầu tư muốn xây dựng một danh mục các cơ sở hậu cần chất lượng, hiện đại nhằm hỗ trợ sự phát triển của khách hàng trong nước và quốc tế trên khắp Việt Nam.

Liên doanh sẽ phát triển các bất động sản tại TP. HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. LOGOS không tiết lộ danh tính nhà đầu tư ngoại cũng như tỉ lệ sở hữu môi bên trong liên doanh.

Ông Trent Iliffe, Tổng giám đốc điều hành và là Co-CEO LOGOS, cho biết: "Việc chuyển đến Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong chiến lược tăng trưởng khu vực của chúng tôi dựa trên nhu cầu của khách hàng và chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với một nhà đầu tư hàng đầu thế giới".

Ngoài ra, ông Trent Iliffe cũng nhấn mạnh rằng, việc có thể thành lập một liên doanh mới giữa đại dịch COVID-19 là minh chứng cho câu chuyện tăng trưởng thú vị của Việt Nam. Cũng theo LOGOS, công ty đánh giá thị trường Việt Nam đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, sự phân hóa chuỗi cung ứng và mức tăng trưởng tự nhiên vốn có.

Trước đó vào thời điểm đầu tháng 8, LOGOS đã lên kế hoạch rót 400 triệu USD vào thị trường Việt Nam, và 800 triệu USD vào một liên doanh tại Hàn Quốc.

Giám đốc điều hành LOGOS, Stephen Hawkins, cho biết thêm: "Sau khi mở rộng thị trường sang Đông Nam Á vào năm 2016, chúng tôi đã thực hiện một chương trình tăng trưởng có mục tiêu trên toàn khu vực từ Singapore, đến Indonesia, Malaysia và bây giờ là Việt Nam. Ngoài ra, chính sự phát triển đáng kể của thương mại điện tử đã khiến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư và khách hàng quốc tế".

LOGOS là công ty bất động sản có trụ sở tại Sydney, Úc hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, bao gồm cả hoạt động logistics. 

Danh mục đầu tư của LOGOS tại Châu Á Thái Bình Dương bao gồm 100 bất động sản hậu cần trên 9 quốc gia với tổng tài sản quản lý khoảng 9,5 tỷ USD. Phần lớn cổ phần của LOGOS đã được ARA mua lại vào tháng 3/2020, một công ty quản lý quỹ tài sản bất động sản hàng đầu Châu Á Thái Bình Dương.

Trong liên doanh tại Việt Nam, LOGOS công bố Mira Real Estate sẽ đóng vai trò cố vấn tài chính độc quyền. Trước đó vào tháng 1 năm nay, Công ty đến từ Úc đã bổ nhiệm ông Glenn Hughes làm giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam. Trong quá khứ, ông Glenn Hughes từng là Giám đốc quản lí vốn tại PwC Việt Nam.

Ông Glenn nhận xét: "Tiềm năng dài hạn của thị trường logistics Việt Nam được hỗ trợ bởi những luồng gió mạnh, khi các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ trên nhiều quốc gia và đầu tư hơn nữa vào công nghệ trong các cơ sở của họ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thương mại điện tử".

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…