Theo báo cáo của VNPT, VNPT đã thực hiện thoái vốn toàn bộ được 16 danh mục, vốn đầu tư của tập đoàn tại các doanh nghiệp khác. Trên sổ sách, VNPT đã thoái vốn được 602 tỷ đồng/2002 tỷ đồng đầu tư trên sổ sách. Tổng giá trị thu về được 1.044 tỷ đồng, bằng 174% so với giá trị vốn đầu tư trên sổ sách của VNPT.
VNPT đang tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 16 danh mục theo phương thức tích tụ, thực hiện thoái vốn tại 36 danh mục theo phương thức thoái vốn trực tiếp (khớp lệnh, thỏa thuận, đấu giá, sáp nhập, giải thể). Tuy nhiên, việc triển khai tại các đơn vị này khá khó khăn, VNPT đã thực hiện thủ tục công bố bán cổ phần nhiều lần nhưng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV VNPT đã nhiều lần báo cáo với Bộ TT&TT về việc VNPT gặp khó khăn trong việc thực hiện thoái vốn tại nhiều đơn vị, nhất là những đơn vị nhỏ thuộc khối xây lắp. Đánh giá về những việc chưa hoàn thành khi triển khai tái cơ cấu VNPT trong 2 năm qua, ông Trần Mạnh Hùng cho hay: “Triển khai thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chưa hoàn thành, việc giảm tích tụ vốn của VNPT trong khối công ty cổ phần chưa hoàn thành, việc sắp xếp lại khối bệnh viện cũng chưa hoàn thành”.
Trong thời gian qua, VNPT cũng sắp xếp lại hoạt động của 3 bệnh viện theo cơ chế tự chủ tài chính. Thực hiện tổ chức lại trường Trung học Bưu chính viễn thông và CNTT II thành Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ III trực thuộc Tập đoàn. Trong thời gian tới, VNPT dự kiến đề xuất Bộ TT&TT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép VNPT được giữ lại Trường Trung học Bưu chính viễn thông và CNTT III để sáp nhập vào Trung tâm CNTT của VNPT Tiền Giang.
Đối với Công ty Tài chính Bưu điện, VNPT đã có phương án báo cáo Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước phương án sắp xếp lại công ty này theo hướng chuyển nhượng vốn của VNPT tại Công ty cho các tổ chức tài chính, tín dụng.
Liên quan đến việc tái cơ cấu VNPT và MobiFone, ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT đã cho biết, khó khăn trong công tác thoái vốn tại Công ty Tài chính Bưu điện, Bộ TT&TT đã có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước đề nghị cho ý kiến chỉ đạo, đề nghị VNPT bám sát văn bản của Bộ TT&TT để chủ động kết nối, làm việc với Ngân hàng Nhà nước tìm biện pháp tháo gỡ.
Còn với phần vốn góp tại Maritime Bank, việc thoái vốn tại các tổ chức tín dụng có những quy định riêng rất chặt chẽ, do đó VNPT phải chủ động có giải pháp để thoái vốn theo đúng quy định của Nhà nước.
Ông Trọng cũng cho hay, trong năm qua việc thoái vốn tại các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu chững lại. Tính đến đầu tháng 10, MobiFone mới thoái được một phần vốn tại một ngân hàng chứ chưa thoái được hết vốn. Còn tại một ngân hàng khác thì chưa thoái vốn được.
“Theo chỉ đạo của Thủ tướng, lẽ ra VNPT phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong năm 2015 rồi. Do đó VNPT phải lên kế hoạch để thực hiện tiếp không chỉ là phần vốn ở các ngân hàng mà còn phải thoái vốn tại 50 doanh nghiệp khác”, ông Trọng nói.
Hồi tháng 6/2016, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV MobiFone cũng cho biết, việc thoái vốn đầu tư tại hai ngân hàng của MobiFone gặp khó khăn. Vì đến thời điểm này vẫn chưa có nhà đầu tư nào tham gia mua cổ phần tại SeaBank, còn cổ phiếu ngân hàng TPbank có 6 nhà đầu tư tham gia đấu giá và đã bán được một phần vốn ở ngân hàng này. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành nằm trong kế hoạch tái cơ cấu MobiFone và triển khai cổ phần hóa nhà mạng này.
Theo Đình Anh/ITC News