Thông điệp “Không làm thay” của Thủ tướng: Đủ sức cứu ngành đường sắt?

Mới đây, TCT Đường sắt Việt Nam (VNR) đã gửi đơn xin Thủ tướng “cứu” khỏi bước đường cùng. Đặt trong bối cảnh Thủ tướng vừa có thông điệp “không làm thay” thể hiện phương châm hành động mới của Chính phủ nhiệm kỳ tới, điều này tạo nên nhiều suy ngẫm.
Thông điệp “Không làm thay” của Thủ tướng: Đủ sức cứu ngành đường sắt?

Theo VNR, Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư và việc giao nguồn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn chưa được giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, 20 công ty thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện chưa có kinh phí để mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên và đặc biệt là trả lương cho người lao động 4 tháng đầu năm 2021, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 25.000 lao động trong VNR.

Điều này dẫn đến nguy cơ: “11.315 lao động tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang... sẽ bỏ việc vì không có thu nhập. Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021”, công văn nêu rõ.

Cũng theo VNR, đề án kể trên do Bộ GTVT thực hiện không khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh mà còn gây ra rất nhiều đình trệ, ách tắc cho VNR, đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản...

Đại diện VNR đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT nghiêm túc thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 1956/VPCP-CN ngày 24/3 về việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế cho công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia giai đoạn từ năm 2021 trở về sau cho VNR như các năm trước.

Có vẻ như, VNR đang "vô tình" nằm trong vòng luẩn quẩn của một quy trình giải cứu. Đó là “Thủ tướng yêu cầu Bộ ngành chịu trách nhiệm giải quyết nhưng Bộ lại chậm chễ, DN phải cầu cứu Thủ tướng, Thủ tướng lại yêu cầu Bộ này nhanh chóng tháo gỡ...” Và câu chuyện Bộ GTVT sẽ giải quyết vấn đề của VNR như thế nào, có lẽ, vẫn còn là dấu chấm hỏi lớn!

Tuy nhiên, đối với ngành hàng không, câu chuyện "giải cứu" lại hoàn toàn có một "tốc độ" khác. Dù cùng chịu tác động lớn của dịch Covid-19 nhưng mới đây, Vietnam Airlines (VNA) đã được NHNN chính thức cấp vốn 4.000 tỷ đồng để khỏi gánh nặng đại dịch. Ngay sau đó gần 2 tuần, NHNN đã ban hành ngay Thông tư 04/2021/TT-NHNN hướng dẫn cụ thể các tổ chức tín dụng quy trình tái cấp vốn này, Điều đáng nói chính là đề xuất tái cấp vốn này được chính NHNN đề xuất dưới sự hỗ trợ và kiến nghị của Bộ GTVT.

Để hỗ trợ khó khăn cho VNA, Thủ tướng đã không hề phải làm thay. Không chỉ NHNN mà Bộ GTVT đã từng có văn bản gửi Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Văn bản này đề xuất Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét một số chính sách, giải pháp hỗ trợ cho VNA như giảm phí và lệ phí trong một số dịch vụ vận tải hàng không, miễn giảm nhiều loại thuế, phí hiện hành.

Thực chất, để hỗ trợ ngành hàng không, không chỉ có Bộ GTVT (đơn vị quản lý trực tiếp) mà Bộ Tài chính cũng đã ban hành nhiều thông tư, nghị quyết đặc biệt là Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay... Và một câu hỏi được đặt ra chính là vì sao VNR lại không nhận được quan tâm của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và thậm chí là cả NHNN như VNA? 

Thông điệp “không làm thay” của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở nhiệm kỳ này chính là mong muốn Chính phủ mới có thời gian dành cho những công việc ở tầm quốc gia đại sự như hoạch định chiến lược, hoạch định chính sách và pháp luật. Thủ tướng yêu cầu không đùn đẩy công việc của các cấp bộ ngành, địa phương lên cho Chính phủ. Ngoài yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm, thông điệp này còn muốn các cấp quyền thể hiện được năng lực giải quyết vấn đề.

Câu chuyện giải cứu ngành đường sắt thời dịch Covid-19 dường như là minh chứng rõ nhất cho yêu cầu này của Thủ tướng. Muốn cứu VNR, Bộ GTVT phải thể hiện “tài năng” nhiều hơn nữa, tích cực liên kết với các bộ ngành liên quan để hỗ trợ tối đa ngành đường sắt. Vì suy cho cùng, ngành đường sắt vẫn luôn là một “cánh tay” của Bộ GTVT cho dù đó không còn là “cánh tay phải” như trước.

Xem thêm

VNR sẽ tái cơ cấu bộ máy, sáp nhập 2 công ty đường sắt

VNR sẽ tái cơ cấu bộ máy, sáp nhập 2 công ty đường sắt

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chia sẻ: "Năm nay là năm rất khó khăn đối với ngành đường sắt. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để VNR tái cơ cấu bố máy, trong đó sẽ tiến hành sáp nhập 2 công ty vận tải đường sắt".

Có thể bạn quan tâm