Thống nhất với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

Ngày 23/10, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường và dành cả ngày để thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Thống nhất với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh cho biết, chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động nhằm thể chế hóa quan điểm của Ðảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật cho thấy, trong số các ý kiến đồng tình với quy định về tuổi nghỉ hưu, vẫn có hai quan điểm về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo Bộ luật như phương án Chính phủ đã trình tại kỳ họp thứ bảy.

Quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số..., không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau và người lao động (nhất là nhóm lao động trực tiếp) sẽ dễ chấp nhận hơn.

Tuổi nghỉ hưu là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, vì vậy Ủy ban Thường vụ QH báo cáo trình QH hai phương án quy định về tuổi nghỉ hưu tại khoản 2 Ðiều 169 để xem xét, cho ý kiến. Cụ thể, phương án 1 (phương án Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi): Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi bốn tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với lao động nam và bốn tháng đối với lao động nữ.

Phương án 2 (phương án quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình): Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. Kể từ ngày 1-1-2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Thảo luận về nội dung nêu trên, nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Ðại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, việc tăng tuổi phù hợp tình hình hiện nay, khi sức khỏe và tinh thần của người lao động được cải thiện nhiều so trước đây.

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Năm 2017, người cao tuổi Việt Nam chiếm 11,9% trong tổng số dân số; dự kiến đến năm 2038, nhóm dân số hơn 60 tuổi đạt 21 triệu người, cứ 10 người có một người hơn 60 tuổi; tuổi thọ trung bình hiện nay đối với nam là 72,1 tuổi; nữ là 81,3 tuổi. Trong khi tuổi thọ đang cao thì tuổi nghỉ hưu lại tương đối thấp so với thế giới, ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế - xã hội nếu không có chính sách điều chỉnh phù hợp, đồng thời ảnh hưởng đến việc cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.

Ðồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu, các đại biểu Võ Ðình Tín (Ðác Nông), Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cùng nhiều đại biểu khác cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét các yếu tố đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật…

Ðồng thời, giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Ngoài ra, cần có quy định người lao động trong một số ngành nghề có thể nghỉ trước tuổi hoặc sau tuổi, không phải như trong luật là 5 năm mà khoảng 10 năm.

Có khoảng rộng như vậy để xem xét đến những người lao động ở môi trường nặng nhọc, độc hại, vẫn có thể nghỉ hưu ở độ tuổi 50 đến 52, tương đối phù hợp và có thể chấp nhận được. Lộ trình minh bạch, công khai để người lao động biết được mình sẽ nghỉ hưu như thế nào trong độ tuổi sức khỏe bình thường nhằm phát huy được chuyên môn kỹ thuật cao của những lao động có năng lực.

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024

Nam A Bank chung tay cùng TP.HCM phát triển bền vững

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) lần thứ 5 năm 2024 diễn ra từ ngày 24 - 27/9, Nam A Bank tiếp tục chung tay cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đóng góp các giải pháp, sáng kiến hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng...

Ông Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng đại diện MB nhận giải thưởng Financial Large Cap có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất

MB nhận ‘cú đúp’ giải thưởng tại IR Awards 2024

Nhờ triển khai hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và áp dụng các thông lệ tốt về công bố thông tin minh bạch, Ngân hàng TMCP Quân đội được vinh danh ở hạng hai mục giải thưởng danh giá tại IR Awards 2024...