Thu thuế từ thương mại điện tử đạt gần 95.000 tỷ đồng trong 10 tháng năm 2024

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử bùng nổ thể hiện sự chuyển dịch mạnh mẽ từ mua sắm truyền thống sang mua sắm trực tuyến mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế…

Hoạt động thương mại điện tử đóng góp 94.600 tỷ đồng tiền thuế trong 10 tháng

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, lũy kế 10 tháng năm 2024, số thuế các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 94.600 tỷ đồng. Tăng 17% so với số thuế bình quân 10 tháng năm 2023.

Ngoài ra, báo cáo của cơ quan thuế ghi nhận 412 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin. Theo đó, có hơn 191.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử với tổng giá trị giao dịch là gần 72.000 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thương mại điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tính đến hết 10 tháng năm 2024, số thu ngân sách Nhà nước từ các nhà cung cấp nước ngoài là 19.774 tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2024 thu 8.200 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Nội dung báo cáo cũng thể hiện, tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 10 tháng năm 2024 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1,408 triệu tỷ đồng, bằng 94,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 116,3% so với cùng kỳ. Có 17/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (trên 88%), trong đó một số khoản thu lớn như: Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 94,3%; Thuế thu nhập cá nhân ước đạt 98,7%; Phí - lệ phí ước đạt 98,5%; Thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước đạt 154,3%; Thu từ hoạt động xổ số ước đạt 99,3%…

Có 38/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt khá (trên 88%). Có 55/63 địa phương có tăng trưởng thu, chỉ có 08/63 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ năm 2023.

Về công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm, gia hạn trong 10 tháng đầu năm 2024 ước tính là 133.965 tỷ đồng. Trong đó, số thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất khoảng 70.816 tỷ đồng; số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 63.149 tỷ đồng.

Thời gian qua, việc kiểm soát thuế của hoạt động thương mại điện tử được cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Trong phiên thảo luận gần đây, các đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm sâu sắc đến vấn đề chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đại biểu cũng đưa ra đề nghị ngành thuế cần quan tâm hơn nữa về thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng bán trên sàn thương mại điện tử. Về vấn đề này, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua ngành thuế đã áp dụng nhiều biện pháp chống thất thu thuế trong thương mại điện tử.

Ngành thuế sẽ áp dụng thêm một số biện pháp chống thất thu thuế qua hoạt động thương mại điện tử, trước mắt là việc áp dụng tính năng của trí tuệ nhân tạo. “Ngành thuế sẽ ra mắt công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát doanh thu, mua bán của các sàn thương mại điện tử, nhất là sàn xuyên biên giới", ông Phớc nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Phớc cho biết Chính phủ sẽ bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng nhập giá trị nhỏ bán qua các sàn thương mại điện tử, để tránh thất thu thuế.

Trước đó, Cục Thuế thành phố Hà Nội, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố phối hợp phát hiện đối tượng Đỗ Mạnh Cường (sinh năm 1986, trú tại Tổ 5, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội), đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử khác nhau (Shopee, Tiki, Lazada...) để kinh doanh điện thoại, phụ kiện với tư cách cá nhân.

Từ năm 2019 đến nay, hoạt động kinh doanh của Cường đã phát sinh doanh thu rất lớn; căn cứ tài liệu thu thập được, bước đầu Cơ quan điều tra xác định là hơn 160 tỷ đồng, nhưng Cường đã sử dụng nhiều tài khoản cá nhân khác nhau để nhận tiền thanh toán và không kê khai, nộp thuế theo quy định, trốn thuế với số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Mạnh Cường để điều tra về hành vi trốn thuế và đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vụ án.

Có thể bạn quan tâm