Đó là những phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay ngày 3/2/2023.
Sau khi nghe báo cáo của các bộ, ngành, trong đó đặc biệt là báo cáo toàn cảnh của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về những biến động của thị trường trong nước; về sự phát triển của thương mại điện tử; về sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu; về nguồn cung xăng dầu, nguồn cung điện... Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành Công Thương đạt được trong năm 2022 và tháng 1/2023, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Công Thương trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tập trung cho 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) và 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng nền kinh tế tự cường, tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, điều cần tập trung thực hiện là thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu, cùng đó là bảo đảm các cân đối lớn.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, ngành Công Thương phải biến nguy thành cơ; càng chịu áp lực thì lại càng nỗ lực; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Trong quá trình đó, phải bám sát, thực hiện phương châm chỉ đạo, điều hành “Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới, sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả".
Thủ tướng Chính phủ đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành, mà trước hết là tập trung cho 4 quy hoạch Ngành được giao chủ trì gồm: Quy hoạch Điện lực quốc gia; Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng quốc gia; Quy hoạch Hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản. Theo Thủ tướng, quy hoạch vừa phải bảo đảm tiến độ, vừa phải bảo đảm chất lượng, góp phần phát triển đúng hướng, thúc đẩy phát triển, góp phần hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân và đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi và phát triển sản xuất với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cung – cầu, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chú trọng phát triển công nghiệp nền tảng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với các chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu… nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng đó, tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm thiểu phát thải carbon gắn với phát triển năng lượng sạch, tái tạo. Bảo đảm an ninh năng lượng về cung cấp điện và xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong thời gian tới, cần tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Khẩn trương đàm phán, ký kết FTA với Israel. Tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam; chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng, người đứng đầu Chính phủ nói.
Tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác quản lý thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ... Làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cân đối cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến để điều hành phù hợp, hiệu quả, không để đứt gãy, bảo đảm nguồn cung. Tạo thuận lợi hóa thương mại, phối hợp với các Bộ, Ngành giảm chi phí dịch vụ logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.