Thủ tướng chủ trì hội nghị thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Hơn 10 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Thủ tướng chủ trì hội nghị thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Ngày mai 19/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị về giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ - một trong các hội nghị chuyên đề trong năm 2018 bàn về những giải pháp, quyết sách chỉ đạo tầm quốc gia.

Được biết, Thủ tướng đã giao các Bộ, cơ quan chuẩn bị nội dung, chương trình để tổ chức các Hội nghị này, với mục tiêu thúc đẩy các lĩnh vực hết sức quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hội nghị lớn lần này nhằm xác định rõ những vấn đề của công nghiệp hỗ trợ, các giải pháp cần thực hiện, không chỉ nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp Việt Nam.

Trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. 

Điển hình trong số đó là Nghị định số 111 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quyết định 68 năm 2017 của Thủ tướng về việc phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ 2016 - 2025…

Mới đây, Quyết định 598/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025 cũng nêu yêu cầu tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử, cơ khí, dệt may, da giày; lựa chọn mô hình thí điểm hỗ trợ một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực dệt may, da giày, linh kiện điện tử, ô tô...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn cần hoàn thiện. Chẳng hạn, chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam.

Hơn nữa, công nghiệp hỗ trợ có mối liên hệ hữu cơ với các ngành sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tuy nhiên chính sách tạo ra các liên kết giữa các doanh nghiệp này và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa được hình thành…

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đang ráo riết triển khai tham vọng sản xuất ô tô, để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn của toàn bộ ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, trong đó, phải có doanh nghiệp dẫn đầu, đầu ngành và một mạng lưới, hệ thống các doanh nghiệp bao quanh, cung cấp linh kiện, sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn. 

The ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam kém phát triển sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 cũng như gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp Việt Nam.

"Ông Thắng cho rằng các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện nay đã ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách từ chính sách đi đến thực tiễn. Do đó, trong thời gian tới, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến khâu tổ chức thực hiện các chính sách này, với sự quyết liệt vào cuộc của các bộ, ngành.

Đặc biệt, là các chính sách, giải pháp liên quan đến nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp để từng bước có khả năng tham gia sâu hơn vào dây chuyền sản xuất công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đã có những bước cải thiện đáng kể. Thế nhưng, chúng ta chưa có nhiều thương hiệu Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao, đạt đẳng cấp quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như ô tô, xe máy điện, điện tử, chế biến nông thủy sản và các ngành dịch vụ chất lượng.

Thời gian qua, Thủ tướng đã nhiều lần nhắc tới khát vọng thịnh vượng, khát vọng vươn lên với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, hành động. Thủ tướng cũng nhắc tới khát vọng của người dân Việt Nam, của mọi doanh nghiệp Việt Nam về xây dựng các thương hiệu sản phẩm Việt chất lượng cao để phát triển kinh tế tự cường trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần nhắn nhủ các doanh nghiệp, “muốn đi nhanh hãy đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Được tổ chức vào một thời điểm mang tính bản lề, Hội nghị nói trên với những giải pháp, quyết sách mới được kỳ vọng sẽ giúp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có bước tiến rõ rệt trong thời gian tới, qua đó nâng cao năng lực ngành công nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm