Thủ tướng: Đặc thù là để tháo gỡ vướng mắc, tháo gỡ mà tiếp tục thắt nút thì tháo gỡ làm gì?

Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ý kiến phát biểu về cơ chế đặc thù…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sáng nay
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sáng nay

Sáng 26/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo triển khai nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Sau khi nghe một số bộ nêu vướng mắc khi thực hiện nghị quyết trong hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đã đặc thù thì phải vận dụng những gì thông thoáng nhất để làm, sau đó tăng cường giám sát, kiểm tra, tránh để tiêu cực về chính sách.

Theo Thủ tướng, không có nghị quyết, văn bản nào bao phủ hết được thực tiễn đời sống, tại thời điểm xây dựng cũng chưa lường trước hết được.

Vì vậy, khi làm văn bản thấy không thông thì phải báo cáo Phó Thủ tướng phụ trách, còn nếu không thông nữa thì báo cáo Thủ tướng theo quy chế làm việc của Chính phủ.

“Vướng chỗ nào, vướng thì ai tháo gỡ, phải có người làm trọng tài, đó là Bộ trưởng hoặc Phó Thủ tướng. Bây giờ vướng cái này, vướng cái kia, nó vướng hết cả thì cần gì phải ban hành cơ chế đặc thù. Đặc thù là để tháo gỡ, tức là phải có đầu ra. Tháo gỡ mà tiếp tục thắt nút lại tháo gỡ làm gì”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng trong hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã báo cáo kết quả triển khai nghị quyết 98 của TP.HCM. Cụ thể, về phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện nghị quyết của Thủ tướng thì hiện có 2/11 nhiệm vụ đã được các bộ, ngành Trung ương hoàn thành. Thành phố có 7/22 nhiệm vụ hoàn thành, 4 nội dung cơ bản hoàn thành, các nhiệm vụ khác thành phố sẽ tập trung hoàn thành trước 31/12/2023.

Chủ tịch UBND thành phố đã lập các tổ công tác như tổ công tác xây dựng đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tổ công tác nghiên cứu về mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), tổ công tác xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2035. Ngoài ra, một số cơ chế, chính sách đã được ban hành, thực thi và đang phát huy tác dụng như nhóm cơ chế, chính sách bố trí vốn cho hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm.

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số nội dung mới chưa có khung pháp lý, cần tiếp tục nghiên cứu và sự phối hợp đa ngành như các vấn đề về TOD, cân bằng phát thải, thu hút đầu tư chiến lược. Ông Mãi cũng nhận định khối lượng công việc rất lớn so với tổ chức bộ máy nên đội ngũ cán bộ, công chức viên chức của thành phố bị quá tải.

Đối với nhiệm vụ sắp tới, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Chính phủ sớm ban hành 2 nghị định trong tháng 12 theo tinh thần quyết định 896 và một nghị định thay nghị định 93 về phân cấp việc quản lý nhà nước cho TP.HCM ở một số lĩnh vực mà hiện tại Bộ Nội vụ đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm trình Bộ Chính trị, Quốc hội về đề án trung tâm tài chính quốc tế, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội cuối năm 2024.

Xem thêm

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM chưa thật sự vượt trội

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM chưa thật sự vượt trội

Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Các đại biểu Quốc hội đều đặt kỳ vọng vào TP.HCM đột phá, đầu tàu sau 5 năm nữa, khi các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM đang được các đại biểu thảo luận sẽ kết thúc thời gian thí điểm...

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...