Thủ tướng mong muốn báo chí lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội

Truyền thông phải góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch.

Tuyên truyền những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam, xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, năng động và giàu tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Truyền thông phải góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Truyền thông phải góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức vào chiều nay, 16/6. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hơn 2 tháng qua, chúng ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

“Việt Nam là tấm gương sáng chói”

Báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống COVID-19 được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đa dạng với tất cả các hình thức truyền thông như báo chí, qua tin nhắn SMS, mạng xã hội, truyền thông tại cơ sở (hệ thống loa truyền thanh thông tin cơ sở), truyền thông trực tiếp tại cộng đồng….

Theo điều tra của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) 84% người được hỏi đánh giá cao công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng, chống COVID-19.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ ngày 1/2 đến 31/5/2020, báo chí đã đăng tải tổng số 560.048 tin, bài về dịch COVID-19, trong đó, về sắc thái, tin tích cực chiếm tỷ lệ 41,96%; trung lập chiếm tỷ lệ 35,47%, tin tiêu cực chiếm tỷ lệ 22,56%. Khi Việt Nam bước sang trạng thái “bình thường mới”, tỷ lệ tin bài liên quan đến dịch COVID-19 vẫn được các cơ quan báo, đài tiếp tục duy trì từ 28-40% tỷ lệ tin, bài về phục hồi, phát triển kinh tế nhưng không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Trong 5 tháng đầu năm 2020, trên không gian mạng Việt Nam có gần 17 triệu đề cập (dòng trạng thái, bình luận) liên quan tới tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam.

Đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, nếu như trước đây, nói tới tuyên truyền, chúng ta chỉ nhớ đến báo chí, truyền hình thì từ đợt dịch này, mỗi chiếc điện thoại nhỏ bé đã trở thành một công cụ tuyên truyền có vai trò to lớn. Từ ngày 3/2 đến nay, Cục Viễn thông đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai 18 đợt nhắn tin cho thuê bao di động để tuyên truyền phòng chống COVID-19, trong đó số thuê bao đã gửi tin nhắn (cộng dồn) là hơn 2 tỷ thuê bao, 15 tỷ bản tin đã gửi.

Cho biết hầu hết dư luận quốc tế đánh giá Việt Nam đã hành động một cách xuất sắc, luôn chủ động, sẵn sàng hợp tác và hoàn toàn minh bạch; có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch của Chính phủ cao nhất thế giới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng dẫn chứng các bài báo quốc tế nhận định Việt Nam là “tấm gương sáng chói và hy vọng”, “Nguồn động viên lớn lao” trên thế giới trong công cuộc phòng chống dịch COVID -19; trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã có sự hồi đáp rất nhanh, có nhiều sáng kiến, thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch COVID -19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm triển lãm tranh ảnh về phòng, chống COVID-19. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm triển lãm tranh ảnh về phòng, chống COVID-19. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhiều người nước ngoài, nhất là những người đã thực hiện cách ly y tế và được điều trị tại Việt Nam gửi đi những thông điệp bày tỏ cảm ơn Việt Nam “là một đất nước của những con người tuyệt vời, tuyệt vời với những trái tim đẹp”; “Khi nghĩ đến người Việt Nam tôi luôn cúi đầu với sự tôn trọng hết mực”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trích lại chia sẻ của các bệnh nhân người Anh, Ba Lan đã từng được cách ly, chăm sóc ở Việt Nam...

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đều khẳng định sự chung sức, xung kích trên mặt trận thông tin chống "giặc COVID-19". Báo chí đã phát huy sức mạnh đa loại hình, đa phương tiện, đa ngôn ngữ trong tuyên truyền phòng, chống dịch.

Lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp to lớn trực tiếp nhiều mặt của truyền thông, báo chí nước nhà vào kết quả phòng, chống dịch. Vai trò của truyền thông, thông tin, với lực lượng hùng hậu, có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của bất cứ sự kiện nào. Lúc khó khăn mới hiểu lòng người, Thủ tướng cho rằng, sự xông pha, đồng thanh hiệp lực của báo chí chống dịch COVID-19 có ý nghĩa lớn.

Theo Thủ tướng, chúng ta đã chống dịch với tinh thần của thời chiến, "chống dịch như chống giặc", “thần tốc, thần tốc hơn nữa”. Chúng ta đã sử dụng các đối sách kịp thời như cách ly tập trung, sử dụng các lực lượng quân đội, công an vào công tác này, “quân lệnh như sơn”, khóa chặt bên ngoài, khoanh vùng, dập dịch bên trong, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ. Thà hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm sức khỏe nhân dân.

Toàn dân đã vào cuộc, đồng tâm hiệp lực, quyết tâm chống COVID-19, hạn chế tối đa lây nhiễm trong cộng đồng. Nhờ đó, chúng ta có tỷ lệ lây nhiễm trên số dân là thấp nhất và chi phí phòng, chống dịch cũng thấp nhất. Điều thần kỳ và cũng là may mắn là không có người tử vong, không có gia đình nào phải mang khăn tang trên đầu do COVID-19.

Trong lúc dịch bệnh, khó khăn thì tính nhân văn, nhân ái được thể hiện mạnh mẽ. Khi xuất hiện tâm dịch ở Vũ Hán (Trung Quốc), chúng ta đã đưa máy bay đón các du học sinh về nước và hàng chục phi công, tiếp viên đăng ký tình nguyện đi vào tâm dịch “giải cứu” đồng bào. Hay khi bệnh nhân số 91, phi công người Anh có nguy cơ phải ghép phổi thì 50 người tình nguyện sẵn sàng hiến phổi cho bệnh nhân này.

Thủ tướng nêu rõ, ngành tuyên giáo, truyền thông và thông tin, các cơ quan báo chí, giới văn nghệ sỹ đã đóng góp quan trọng vào phòng, chống dịch, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức của nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc để chiến thắng đại dịch. Đó là món quà quý giá để chúng ta có sản phẩm thiết thực, đóng góp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhắc lại câu chuyện về chuyến công tác chống hạn, mặn tại các tỉnh phía Nam, Thủ tướng cho biết, khi đó, phát hiện bệnh nhân số 17, thị trường náo loạn, “chúng ta đã chỉ đạo kịp thời và báo chí đồng loại đưa tin, Việt Nam bảo đảm đầy đủ hàng hóa, có cơ số dự phòng ứng phó mọi tình huống, các cửa hàng mở đến 11 giờ đêm”. Nhờ đó, thị trường đã trở lại bình thường. Hay là hàng tỷ tin nhắn đã được gửi tới người dân. “Chúng ta đã thông tin kịp thời, minh bạch”, áp dụng công nghệ trong đưa tin. Rất nhiều hình ảnh ấn tượng về chiến sỹ áo trắng, cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an gác dọc biên giới, những câu chuyện chiến sỹ không thể về thắp hương khi bố mất hay không thể về thăm con mới sinh… đều được báo chí, truyền thông đưa lên. Qua báo chí, đã tiếp thêm động lực, sức mạnh cho các cán bộ, chiến sỹ ở tuyến đầu chống dịch, động viên, khuyến khích người dân bình tĩnh, chủ động.

“Vì lẽ đó, chúng ta đã có tình hình Việt Nam là một trong số ít nước bắt đầu đến tiến trình bình thường mới sau đại dịch sớm nhất thế giới”, Thủ tướng nói, đồng thời nêu rõ, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép. Nếu chống dịch thành công bước đầu mà để "kinh tế đổ gãy, nhân dân cơ hàn" thì không thể hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước nhân dân. Nhiệm vụ quan trọng lúc này là phát triển kinh tế - xã hội, giữ các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, nếu chủ quan là trả giá khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, hiện chưa có vaccine. “Chúng ta nói về việc chuẩn bị mở cửa nhưng mở cửa ở đâu, mở cửa như thế nào, kiểm soát làm sao để không lây nhiễm ra cộng đồng từ khách du lịch”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen của Thủ tướng cho 18 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen của Thủ tướng cho 18 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Để thực hiện mục tiêu kép, hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, Thủ tướng cho rằng, cần phải làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, truyền thông phải góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, công ty tốt, cách làm ăn hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch.

Truyền thông, thông tin phải góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp vào nỗ lực xử lý các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng phát triển thị trường trong nước đối với sức tiêu dùng gần 100 triệu dân đang tăng trưởng nhanh về thu nhập.

Chủ động thực hiện tốt thông tin đối ngoại, tuyên truyền những nỗ lực thành tựu Việt Nam, xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, năng động và giàu tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.

Thủ tướng đề nghị báo chí tham gia tích cực, góp phần vào thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

Chúc mừng báo chí nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần của báo chí là “phò chính, diệt tà”, vượt qua khó khăn trước ảnh hưởng của mạng xã hội để đứng vững.

Nhân dịp này, Thủ tướng cho biết, cần có cơ chế tài chính phù hợp hỗ trợ cho báo chí sau khi quy hoạch.

Tại hội nghị, Thủ tướng đã quyết định thưởng 1 tỷ đồng cho tất cả các tờ báo tham gia thực hiện nhiệm vụ truyền thông, thông tin về COVID-19; trao Bằng khen của Thủ tướng cho 18 tập thể.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…