Thủ tướng: Qua nhiều thăng trầm, nông nghiệp ngày càng trở thành trụ đỡ quan trọng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa dự hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Tại hội nghị Thủ tướng đã đề nghị đặt mục tiêu xuất khẩu nông nghiệp và những nhiệm vụ giải pháp trong năm 2023.

Khó khăn nhưng nhiều thuận lợi

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao thành quả của ngành nông nghiệp trong năm 2022, nhấn mạnh con số 3,36% là mức tăng trưởng cao nhất của nông nghiệp Việt Nam những năm vừa qua trong một hoàn cảnh khó khăn.

“Qua nhiều thăng trầm, càng ngày ngành nông nghiệp càng trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, giúp người dân "đủ ăn đủ mặc", mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Không những thế, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản còn đạt hơn 53 tỷ USD, qua đó đóng góp xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả”, Thủ tướng khẳng định.

Tuy nhiên, sang năm 2023, dự báo tình hình với ngành nông nghiệp sẽ khó khăn, thách thức nhiều hơn năm 2022 và cũng có nhiều hơn cơ hội, thuận lợi. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu phải luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, bởi tình hình lúc nào cũng có khó khăn, không khó khăn này thì khó khăn khác, song "trong nguy có cơ", "núi cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi".

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội để xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh, lấy nông dân là trung tâm, xây dựng nông thôn là nền tảng, phát triển nông nghiệp là động lực.

Bên cạnh đó, cần, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa và du lịch; phối hợp với ngành ngân hàng để đáp ứng nguồn vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là cho xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả. Ví dụ như các mô hình đưa trái cây lên sườn dốc, trồng cà phê ở các vùng lâu nay không có truyền thống...

ngông nghiệp
Ảnh minh họa

Về mục tiêu, Thủ tướng đề nghị ngành phấn đấu đạt tăng trưởng cao hơn năm ngoái, đạt khoảng 3,5%; xuất khẩu khoảng 55 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80%, 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp quy chuẩn khoảng 60%.

10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Để có được những kết quả phù hợp trong năm này, ngành nông nghiệp nước ta cũng cần có những hướng đi, giải pháp phù hợp để đạt được kết quả như mong đợi. Do đó, tại hội thị Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, trong đó có nhiệm vụ tham gia xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai, các chiến lược, quy hoạch, nhất là các quy hoạch ngành quốc gia - phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để góp phần thúc đẩy sản xuất lớn, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển khoa học công nghệ, phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hoá chất lượng cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.

Thứ tư, tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp, phát triển hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Thứ năm, đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỉ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Thứ sáu, làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại FTA, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tiếp tục tháo gỡ rào cản để thâm nhập vào các thị trường mới. Đồng thời coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Thứ bảy, phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; khẩn trương ban hành và thực hiện chương trình hành động 180 ngày giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ "thẻ vàng" IUU, ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất trích lập Quỹ phát triển hạ tầng thủy sản để có thể tập hợp, huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng thủy sản.

nông nghiệp
Ảnh minh họa

Thứ tám, tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; đẩy mạnh phát triển điện sinh khối, bán tín chỉ carbon... Theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, cần chủ động chỉ đạo sản xuất và triển khai công tác phòng, chống thiên tai bảo đảm kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thứ chín, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn mới phải đi đôi với tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng miền, gắn với đô thị hóa, tránh làm theo phong trào, hình thức, lãng phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phối hợp với các cấp, các ngành chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Thứ mười, đẩy mạnh chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chủ động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, bảo vệ hàng hóa nông sản Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm