Đây là lần đầu tiên một Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh được tổ chức bên cạnh diễn đàn chính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Như vậy, Hội nghị VBS sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị “Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 vào ngày 13/9 tại Hà Nội với chủ đề Việt Nam - đối tác kinh doanh tin cậy. TS Vũ Tiến Lộc cho biết, VBS 2018 mang đến thông điệp Việt Nam là đối tác nghiêm túc, tin cậy, tiềm năng và sẽ tập trung vào hai điểm quan trọng là kết nối và sáng tạo.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là hai động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời là động lực mới cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Với chủ đề trên, VBS 2018 được chia thành hai phiên quan trọng. Phiên đầu tiên với chủ đề: "Vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị ASEAN và toàn cầu" có sự tham dự và có những trao đổi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF, ông Borge Brende, các doanh nghiệp sẽ tham dự vào cuộc đối thoại chuyên sâu về chủ đề này.
Phiên thứ hai với chủ đề "Việt Nam - Kết nối và sáng tạo: Những cơ hội mới trong kinh doanh" với sự tham dự của các Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải. Các nhà lãnh đạo cấp cao sẽ cùng trao đổi về các chủ đề quan trọng như nền kinh tế Việt Nam trong ASEAN và dưới tác động của công nghiệp 4.0; cơ hội và tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; cơ hội đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực tài chính và phát triển, cơ sở hạ tầng và hợp tác công tư.
Đáng chú ý là tại đây, hai diễn giả nữ là bà Natasha Ansell, Tổng Giám đốc Citibank Việt Nam và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air sẽ trao đổi với các doanh nghiệp tham dự diễn đàn về kinh nghiệm kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Được biết, Hội nghị WEF ASEAN 2018 được tổ chức ngày 12-19/9 tại Hà Nội sắp tới sẽ tập trung thảo luận về vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị ASEAN và toàn cầu. Tham gia hội nghị, các doanh nghiệp có cơ hội cập nhật những xu thế phát triển mới nhất của kinh tế Việt Nam dưới tác động công nghiệp 4.0, cùng chia sẻ những cơ hội kinh doanh mới, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng, học hỏi những kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhất của các doanh nghiệp lớn đã thành công tại Việt Nam.
WEF (World Economic Forum) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới.
Dự kiến, tại phiên toàn thể của WEF ASEAN sẽ có khoảng 30-50 doanh nghiệp Việt Nam tham dự và cùng bàn thảo về những vấn đề kinh tế toàn cầu, hiện trạng và thách thức.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) trước hết được ví như như “phiên chợ ý tưởng”, nơi các nhà hoạch định chính sách, giới doanh nhân, các nhà nghiên cứu, cơ quan truyền thông, tổ chức xã hội... cùng nhau bàn về các hoạt động kinh tế của khu vực và thế giới. Khi tham gia vào đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với cộng đồng kinh doanh toàn cầu, xu hướng chính của nền kinh tế thế giới, các xu hướng về quản trị, công nghệ... Tất cả các nội dung này có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hoá, các doanh nghiệp Việt Nam có thể cơ cấu lại và xác định tầm nhìn của mình để bắt nhịp theo tiêu chuẩn của hội nhập.
Hằng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu.