Các cổ đông đội mưa căng băng rôn tại dự án Riverside Garden để cảnh báo người mua nhà
Lỗ âm vốn, cổ tức 0 đồng
Câu chuyện tranh chấp, khiếu kiện kéo dài đã nhiều năm qua ở CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu (Prosimex, địa chỉ tại số 439 Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Công ty này đã kinh doanh thua lỗ, âm vốn điều lệ, nợ khó đòi hàng trăm tỷ đồng…
Một cổ đông cho biết, sau khi cổ phần hoá năm 2006, Prosimex vẫn hoạt động có hiệu quả, có lãi và chia cổ tức một lần (năm 2009). Từ đó đến nay, việc kinh doanh sa sút và không minh bạch tài chính. Năm 2013, Prosimex báo lỗ tới 17,2 tỷ đồng, âm cả vốn điều lệ (VĐL: 17 tỷ đồng) và năm 2014 chỉ lãi vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng, cổ tức chỉ là 0% trong suốt 6 năm qua…
Tình hình càng bi đát hơn khi Prosimex ngày càng thu hẹp hoạt động, kinh doanh lẹt đẹt… Tháng 5/2014, cổ đông lớn nhất SCIC đã thoái vốn 56,6% và nhóm cổ đông lớn đã lên nắm giữ các vị trí chủ chốt, trong đó, ông Lữ Văn Sơn (nắm 29,17% vốn) giữ chức Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra 2 cổ đông lớn khác nắm tổng số 27,43% vốn Prosimex.
Năm 2015, công ty chấm dứt hàng loạt hợp đồng lao động đối với cổ đông, người lao động lâu năm. Cùng với những mập mờ về hoạt động kinh doanh, tài chính, quản lý và đầu tư khối tài sản đất đai tại Prosimex… khiến các cổ đông bức xúc, hoài nghi có hay không sự câu kết, thất thoát?
Đáng chú ý, dự án tại khu đất 439 Vũ Tông Phan rộng 8.873m2 được giao cho đối tác CTCP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (Videc) – nắm 90% vốn và giữ vai trò đại diện chủ đầu tư thực hiện.
Đỉnh điểm căng thẳng là ngày 4/11/2016, một nhóm cổ đông đã tụ tập, căng băng rôn với nội dung “Đất dự án Riverside Garden đang tranh chấp, đừng mua mất tiền!” đúng lúc mở bán dự án này. Một cổ đông cho biết, nhóm của họ có khoảng 50 người nắm giữ khoảng 9,6% cổ phần Prosimex từ hồi đầu cổ phần hoá. Các cổ đông đã nhiều lần nêu kiến nghị song không có kết quả nên bất đắc dĩ phải phản ứng như vậy.
Suốt một tuần qua, nhóm cổ đông Prosimex này vẫn kiên trì căng băng rôn ở chân dự án hàng ngày để yêu cầu công ty phải đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Người lao động từng gom góp tiền ít ỏi để mua cổ phần Prosimex giờ ngậm đắng nuốt cay
Dù chưa hiểu rõ nội tình công ty, tính pháp lý của dự án Riverside Garden song một số khách hàng đến xem dự án vội vã rút lui vì lo sợ rủi ro, nhất là sau khi chứng kiến cảnh xô xát giằng co băng rôn giữa bảo vệ và một số cổ đông… Lực lượng công an phường Khương Đình đã phải có mặt để đảm bảo an ninh trật tự.
Tình cảnh này khiến cho đơn vị bán hàng- Đất Xanh Miền Bắc và đối tác Videc cũng lúng túng, lo sợ ảnh hướng tới việc kinh doanh bán nhà khi mà chủ đầu tư Prosimex dính lùm xùm tranh chấp.
Đại diện Videc cho biết, dự án này đã đủ điều kiện pháp lý để kinh doanh bán nhà ở hình thành trong tương lai như: đã xong móng, có bảo lãnh tiến độ của ngân hàng… Còn việc tranh chấp diễn ra giữa Prosimex và các cổ đông nhỏ lẻ, không liên quan tới dự án. “Cổ đông góp vốn vào công ty thì lời ăn lỗ chịu, chứ không phải ra treo băng rôn, làm ảnh hưởng tới việc bán nhà”- vị này nói.
“Miếng bánh” lợi ích
Trao đổi với tạp chí Thương Gia, bà Nguyễn Thị Phương, cổ đông Prosimex cho biết, “tại Đại hội cổ đông ngày 30/6/2016, chúng tôi đã chất vấn Hội đồng quản trị về tình hình kinh doanh thua lỗ lớn nhiều năm, vì sao có khoản nợ phải thu hơn 100 tỷ đồng từ 5 khách hàng Trung Quốc, phải công bố danh tính các khách hàng nợ tiền đó, khả năng thu hồi và ai chịu trách nhiệm nếu có thất thoát tài sản công ty…”.
Các cổ đông cũng chất vấn về dự án số 45/35 Khương Hạ (nay là 439 Vũ Tông Phan) đã liên doanh, hợp tác đầu tư hay đã bán? Tiền thu từ dự án nằm ở đâu? Và quyền lợi của cổ đông sở hữu cổ phần sẽ ra sao?
Tuy nhiên, theo bà Phương, cuộc họp đã xảy ra cãi vã, xô xát căng thẳng khiến nhóm cổ đông nhỏ lẻ phải rút lui.
Đến ngày 12/7/2016, Hội đồng quản trị Prosimex đã có văn bản do Chủ tịch Lữ Văn Sơn ký gửi tới cổ đông giải đáp những thắc mắc nêu trên. Theo đó, công ty đã thành lập ban thu hồi công nợ giao ông Trần Quốc Phương, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Prosimex làm trưởng ban, thực hiện thu hồi công nợ từ 5 khách hàng Trung Quốc. Ông Phương bị miễn nhiệm để tập trung thu hồi nợ.
Về lợi ích của cổ đông, Prosimex cho biết: “khi cổ đông góp vốn thì quyền lợi được hưởng cổ tức nếu công ty kinh doanh có lãi và chia cổ tức do ĐHCĐ quyết định”. Với kết quả làm ăn bết bát, cổ đông Prosimex đã phải “nhịn” cổ tức suốt 6 năm qua.
Còn dự án 439 Vũ Tông Phan, ông Sơn khẳng định đây là dự án hợp tác đầu tư với đối tác Videc và đã được ĐHCĐ ngày 24/5/2014 thông qua theo phương án tại tờ trình của HĐQT ngày 12/5/2014. Theo đó, khu đất 8.873m2 được chuyển đổi chức năng sang làm dự án hỗn hợp nhà ở, văn phòng, gồm 2 toà tháp cao 25 tầng và khu biệt thự, liền kề… Tổng mức đầu tư dự án là 794 tỷ đồng.
Theo thoả thuận hợp tác, Prosimex góp vốn bằng giá trị quyền khai thác tài sản trên đất và giá trị công trình, khu đất ở Km7 Hải Phòng và khu đất ở 88 Trần Quý Cáp, Hà Nội, tương ứng giá trị 10%. Còn Videc góp 90% vốn và chịu trách nhiệm thực hiện các công việc liên quan dự án.
Với thoả thuận “bán lúa non” như trên, Prosimex sẽ được chia lợi tức cố định là 75 tỷ đồng và 1.000m2 sàn văn phòng. Có nghĩa lợi tức đem về cho Prosimex trong thương vụ liên danh chỉ khoảng 12%. Thế nhưng Videc đã tạm ứng 57 tỷ đồng cho công ty để đem trả nợ ngân hàng, nợ tiền thuê đất, hỗ trợ người lao động… Do vậy, phần lợi tức còn lại chỉ là 18 tỷ đồng và 1 sàn thương mại cho một dự án quy mô 794 tỷ đồng, liệu có hấp dẫn?
Chưa rõ hiệu quả đầu tư của Prosimex sẽ ra sao, song hiện tại bất đồng gay gắt giữa nhóm cổ đông lớn và thiểu số khiến cho tình hình bất ổn, tranh chấp tại doanh nghiệp này càng kéo dài.
Hải Hà