Thương mại điện tử sắp vượt mốc 25 tỷ USD, hầu hết các "ông lớn" quốc tế hoạt động tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế

Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất, năm 2024, ngành hàng này đã đạt được những thành tựu vượt trội, mở ra những triển vọng mới cho năm 2025…

Thương mại điện tử tăng trưởng vượt trội trong năm 2024
Thương mại điện tử tăng trưởng vượt trội trong năm 2024

Bộ Công Thương đã có báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 đưa vào Nghị quyết năm 2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nội dung báo cáo cho thấy, sau 10 tháng năm 2024, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử đã đạt 18-20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.

Số liệu thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số thu ngân sách là 19.774 tỷ đồng.

Tính riêng số thu khai trực tiếp qua cổng thông tin năm nay đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... hoạt động tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế.

Song song, các tổ chức và cá nhân tham gia kinh doanh trực tuyến đã đóng góp một khoản thuế đáng kể vào ngân sách nhà nước, với tổng số tiền thu được từ hoạt động này trong 11 tháng năm 2024 là 108.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.

Thương mại điện tử Việt Nam đã và đang dẫn đầu cuộc cách mạng số của đất nước. Bất chấp những biến động của kinh tế toàn cầu, ngành này vẫn không ngừng bứt phá với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trung bình từ 18% đến 25% mỗi năm. Điều này cho thấy một tương lai đầy triển vọng của thương mại điện tử tại Việt Nam. Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 25%, với quy mô doanh thu 20,5 tỷ USD. Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường sẽ vượt mốc 25 tỷ USD.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết với sự cạnh tranh gay gắt giữa các sàn thương mại điện tử nội địa như Shopee, Lazada, Tiki và các sàn xuyên biên giới mới nổi như Temu, Shein. Bên cạnh việc mang đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng, sự xuất hiện của các sàn nước ngoài cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho các doanh nghiệp trong nước và đòi hỏi các sàn thương mại điện tử phải không ngừng đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, đòi hỏi ngành công thương phải tăng cường thêm các chính sách quản lý hoạt động của tất cả các sàn thương mại điện tử. Các sàn này đều thuộc đối tượng phải kê khai và nộp thuế theo diện nhà cung cấp nước ngoài.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại; tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại điện tử, tạo động lực phát triển kinh tế số và thương mại điện tử, góp phần tạo ra không gian phát triển mới.

Bên cạnh đó, để phát triển mạnh kinh tế số, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, yêu cầu và hướng dẫn các thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website/ứng dụng thương mại điện tử cập nhật thông tin, chính sách, bổ sung hồ sơ đáp ứng quy định tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP, yêu cầu và hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức sở hữu website/ứng dụng cung cấp dịch vụ Hướng dẫn doanh nghiệp nâng cấp Cổng online.gov.vn đáp ứng các quy định mới của Nghị định số 85/2021/NĐ-CP. Phối hợp với các Sở Công Thương rà soát những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam.

Trước những kết quả đã đạt được trong năm 2024, sang năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, bám sát tình hình phát triển thương mại điện tử trên thế giới và trong nước để kịp thời ban hành chính sách nhằm quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam.

Bộ Công Thương cho biết sắp tới sẽ khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030; chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an... khai thác thông tin, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng thế giới vẫn tăng mạnh dù đồng USD leo thang, trong nước, vàng miếng SJC thêm nửa triệu đồng/lượng ở cả chiều mua - bán...