Xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 vượt kế hoạch, ước đạt trên 17 tỷ USD

Ngành gỗ Việt Nam tiếp tục chứng tỏ sức mạnh của mình trên thị trường quốc tế khi kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 đạt mức tăng trưởng ấn tượng, vượt xa kế hoạch đề ra…

Xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 đạt kết quả tốt
Xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 đạt kết quả tốt

Theo số liệu thống kê của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 11 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 15,6 tỷ USD, ước cả năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 17,2 tỷ USD. Kết quả này đã tăng gần 19% so với năm 2023, vượt 13,1% so với kế hoạch năm 2024.

Đáng chú ý, 11 tháng năm 2024 ngành chế biến gỗ, lâm sản đã xuất siêu 13,1 tỷ USD. Tính riêng tháng 11, kim ngạch xuất khẩu gỗ đã tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó sản phẩm gỗ đạt trên 10 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ; gỗ nguyên liệu 4,6 tỷ USD, tăng 17,8%; lâm sản ngoài gỗ 0,95 tỷ USD, tăng 4,4%. Xuất khẩu gỗ và lâm sản đóng góp phần lớn vào thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp.

Về phát triển rừng, Cục Lâm nghiệp đã tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện tốt Kế hoạch phát triển rừng năm 2024; thông tin, khuyến cáo kịp thời cho các địa phương về mùa vụ trồng rừng và hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng những loài cây chủ yếu; ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo về phát triển rừng. Công tác quản lý chất lượng giống được địa phương nghiêm túc thực hiện.

Theo đó, tỷ lệ giống cây lâm nghiệp được kiểm soát nguồn gốc, chất lượng để đưa vào trồng rừng đạt 85-90%. Luỹ kế đến ngày 25/11/2024 đã chuẩn bị được 1.039,23 triệu cây giống các loại phục vụ cho kế hoạch trồng rừng năm 2024, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính đến ngày 25/11, cả nước trồng được 217.860 rừng, bằng 103,4% so với cùng kỳ năm 2023, tập trung ở một số tỉnh phía Bắc, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ. Ước cả năm đạt khoảng 245.000ha, đạt 100% kế hoạch năm đã đề ra.

Về thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, lũy kế đến ngày 29/11cả nước đã thu 3.374,99 tỷ đồng. Ước cả năm 2024 đạt trên 3.400 tỷ đồng, vượt trên 7% so với kế hoạch năm 2024.

Theo Cục Lâm nghiệp, để đạt được các mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, Cục đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các chương trình, đề án, kế hoạch của ngành, như: Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; các chương trình, đề án trọng điểm của ngành. Cùng với đó, Cục đã chủ động tham mưu, xây dựng và triển khai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án và quy hoạch thuộc lĩnh vực lâm nghiệp một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Cục đã tích cực tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành ngành lâm nghiệp.

Mục tiêu năm 2025, ngành lâm nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 4,5-5%; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 18 tỷ USD; trồng rừng tập trung đạt 250.000 ha; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 70.000 ha; thu dịch vụ môi trường rừng: 3.200 tỷ đồng

Lên kế hoạch thực hiện mục tiêu năm 2025, Cục Lâm nghiệp xác định tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp; hoàn thành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch năm 2025 được Bộ giao đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2026-2030. Triển khai các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; sử dụng môi trường rừng bền vững; triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Thực hiện kế hoạch cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, triển khai công nhận hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và đủ điều kiện để liên thông với chứng chỉ rừng PEFC quốc tế; triển khai rộng rãi việc thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.

Chủ động hợp tác quốc tế nhằm vận động, thu hút nguồn vốn ODA và FDI thông qua các chương trình, dự án quốc tế; phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế; các hiệp định đã ký kết; Ưu tiên chương trình, dự án hợp tác quốc tế song phương, đa phương để phát triển lâm nghiệp, trong đó ưu tiên các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển rừng ven biển gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ các-bon từ rừng, dịch vụ môi trường rừng; các chương trình, dự án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành lâm nghiệp.

Song song với đó, tiếp tục tăng cường truyền thông về vai trò của rừng, các cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình, đề án trọng điểm của ngành lâm nghiệp; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách thực hiện chương trình.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng thế giới vẫn tăng mạnh dù đồng USD leo thang, trong nước, vàng miếng SJC thêm nửa triệu đồng/lượng ở cả chiều mua - bán...