Thương nhân phân phối kiến nghị kéo dài thời gian sửa đổi, bổ sung Nghị định về kinh doanh xăng dầu

Nhiều Thương nhân phân phối xăng dầu kiến nghị kéo dài thời gian sửa đổi, bổ sung Nghị định, đồng thời tiến hành nghiên cứu, học kinh nghiệm điều hành kinh doanh xăng dầu của các nước...

Ý kiến trên được các Thương nhân phân phối xăng dầu đưa ra tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 14/2/2023, tại Hà Nội.

Quy định bất cập, Thương nhân phân phối gặp khó

Tại hội thảo, nhiều Thương nhân phân phối xăng dầu dẫn quy định: Khoản 1, Điều 15, Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 quy định: “Được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối theo Hợp đồng mua bán xăng dầu”; Khoản 12, Điều 1, Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 quy định: “Được mua xăng dầu từ nhiều Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và Thương nhân phân phối xăng dầu khác theo Hợp đồng mua bán xăng dầu”.

Trong khi đó, theo Nghị định dự thảo của Văn bản 62/BCT-TTTN ngày 06/01/2023 của Bộ Công thương thì chỉ cho phép thương nhân phân phối xăng dầu “Được mua xăng dầu từ 3 đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc Thương nhân phân phối xăng dầu theo Hợp đồng mua bán xăng dầu”.

Việc quy định Thương nhân phân phối chỉ được phép mua hàng của 3 thương nhân đầu mối và không được mua hàng của thương nhân phân phối khác… theo các Thương nhân phân phối là chưa hợp lý và có rất nhiều bất cập.

Các doanh nghiệp phân tích, hiện tại một số đơn vị Thương nhân đầu mối trong nước còn nhiều hạn chế về khả năng cung ứng xăng dầu. Chỉ các doanh nghiệp đầu mối Nhà nước là có đủ nguồn lực mạnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng chỉ để đáp ứng đủ cho hệ thống phân phối xăng dầu của họ. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn hơn cho các Thương nhân phân phối cũng như bất ổn cho thị trường khi dự thảo được ban hành.

Thương nhân phân phối kiến nghị kéo dài thời gian sửa đổi, bổ sung Nghị định về kinh doanh xăng dầu

Giả sử khi một Thương nhân phân phối ký kết mua hàng với 3 đơn vị Thương nhân đầu mối, nhưng cả 3 đơn vị này đều không có hàng, hoặc nếu 3 đầu mối kinh doanh xăng dầu bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt (có thể tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh xăng dầu) thì sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Thương nhân phân phối do bị đứt nguồn cung. Như vậy, viêc Thương nhân đầu mối vi phạm lại liên đới ảnh hưởng đến quyền kinh doanh xăng dầu của các Thương nhân phân phối.

Như vậy, nếu mỗi thương nhân chỉ được ký kết mua với 3 đầu mối có nhất định đảm bảo được việc cung ứng hàng hóa cho thị trường hay không?.

Thương nhân phân phối không được mua bán, trao đổi hàng hóa, gây khó khăn cho việc tạo nguồn và chủ động nguồn cung của các doanh nghiệp. Với hơn 300 Thương nhân phân phối xăng dầu là lực lượng hỗ trợ cho Thương nhân đầu mối phân bổ nguồn hàng, góp phần cung ứng xăng dầu tốt hơn cho người tiêu dùng trên cả nước. Đây chính là lực lượng chủ chốt của thị trường, các thương nhân phân phối cạnh tranh lẫn nhau làm thúc đẩy linh hoạt hàng hóa tốt hơn cho thị trường xăng dầu hiện nay.

Nếu bối cảnh nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn thì việc các thương nhân đầu mối ưu tiên bán hàng trong hệ thống của mình hay bán cho các thương nhân phân phối khác cũng không làm thay đổi tổng thể nguồn cung trên thị trường. Để xử lý vấn đề các bên găm hàng thì cần tăng tính linh hoạt của thị trường, tạo sự cạnh tranh nhằm tạo thuận lợi cho các thương nhân luân chuyển hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu, chứ không nên hạn chế, cản trở chuỗi phân phối.

Bộ chủ quản trong quản lý kinh doanh xăng dầu phải ban hành chính sách cần xử lý vấn đề giá cả để các bên có động lực kinh doanh. Trong trường hợp nếu nguồn cung thế giới đã thiếu hoặc giá bị định quá thấp thì thương nhân đầu mối bán hàng cho ai cũng không có nhiều khác biệt.

Bộ Công Thương đưa ra phương án hạn chế quyền mua bán của đội ngũ thương nhân phân phối, nghĩa là thay vì được mua bán từ nhiều nguồn (mua từ các đầu mối và mua bán đồng cấp giữa các thương nhân phân phối với nhau) thì lại “siết” lại, chỉ cho mua từ 3 đầu mối. Điều này sẽ gây thiếu hụt nguồn cung khi khâu phân phối không mua hàng linh hoạt được như trước để cung ứng xăng dầu đến hệ thống cây xăng lẻ và làm cho tính độc quyền của thị trường tăng lên.

Việc khan hiếm xăng dầu trên thị trường thời gian qua là do giá dầu thế giới có nhiều biến động nên các Thương nhân đầu mối nhập xăng dầu với giá cao, nhưng giá bán lẻ lại do Nhà nước quy định. Do bị lỗ nên các Thương nhân đầu mối phải nhập hàng về ít dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu trong thời gian vừa qua.

Quy định bất cập, Thương nhân phân phối gặp khó

Từ những phân tích trên, các Thương nhân phân phối cho rằng, nếu khống chế việc mua xăng dầu của thương nhân phân phối sẽ ảnh hưởng đến việc tạo nguồn, chủ động nguồn cung và chưa đảm bảo tính cạnh tranh…Ngoài ra còn phát sinh thêm các hệ lụy không đáng có như: Lãng phí kho bãi; Làm mất đi tính cạnh tranh công bằng và bình đẳng; Làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính của hơn 300 doanh nghiệp Thương nhân phân phối xăng dầu...

Các Thương nhân phân phối cho rằng, bộ máy hoạt động của họ thời gian qua đã không ngừng nâng cấp và xây dựng các chính sách hỗ trợ nhân sự, người lao động, nhằm tạo ra nguồn thu nhập ổn định ở thời điểm rất khó khăn như hiện nay. Nếu nghị định thay đổi, phạm vi hoạt động của thương nhân phân phối chắc chắn bị bó hẹp trong phạm vi nhất định dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự. Trong thời gian này việc thất nghiệp với người lao động sẽ ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội.

Kiến nghị kéo dài thời gian sửa đổi, bổ sung

Sau khi phân tích cặn kẽ những bất cập, các Thương nhân phân phối khuyến nghị Bộ công thương không nên vội vàng sửa đổi, bổ sung Nghị định về kinh doanh xăng dầu mà nên tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp.

Trước mắt, thực hiện các quy định hiện hành trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu, đảm bảo ổn định kế hoach sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cụ thể, giữ nguyên quy định Thương nhân phân phối xăng dầu “Được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác theo Hợp đồng mua bán xăng dầu” (TheoNghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021).

Giữ nguyên quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá”; và không dời ngày điều hành giá khi rơi vào các ngày nghỉ như thứ 7- chủ nhật – ngày Lễ - Tết (Theo Điểm c, khoản 1, Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014).

Đặc biệt là kéo dài thời gian sửa đổi, bổ sung Nghị định, tiến hành nghiên cứu, học kinh nghiệm điều hành kinh doanh xăng dầu của các nước, nhất là các nước có điều kiện tương tự như Việt Nam; lấy ý kiến các doanh nghiệp một cách rộng rãi để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Có thể bạn quan tâm