Thương nhớ tết...

Như muôn nẻo đường sông đều đổ về với biển, con người cũng có biết bao lựa chọn để đến với chuyện kinh doanh. Hai người phụ nữ trẻ tôi sắp kể bạn nghe, đã dấn mình vào thương trường như thể kiếm tìm một cuộc tự sự, nhìn mình, nhìn đời thấu suốt hơn.
Thương nhớ tết...

Và rồi từ đó có biết bao tri âm, tri kỷ... Viết về họ, tôi những muốn chọn cho mình một không gian rất tĩnh, một tách trà nóng hổi và khe khẽ chút hương hoa!

Nhã Anh – nơi an trú tâm hồn

Càng những ngày cuối năm phố Phan Đình Phùng, một trong những phố thâm nghiêm, đẹp nhất của Hà Nội, càng trở nên tấp nập. Điểm cuối của con đường một chiều ấy là trung tâm phố cổ, là con đường rẽ ra với sông Hồng lộng gió… Nếu có khi nào bạn đi bộ, hoặc đi xe chầm chậm xuôi về bốt Hàng Đậu, sẽ cảm thấy tò mò khi chạm mắt một ô cửa kính bên phải đường có biển hiệu gỗ xinh xắn khắc dòng chữ Nhã Anh. Đó chính xác là một ô cửa có khả năng níu chân khách đi qua…
Bạn sẽ bật cười khi nhìn thấy gia đình chuột vải xinh xinh sắc mầu trên cái mầm đồng óng sáng, sẽ trầm trồ trước một không gian sâu lắng, hun hút của những vật dụng được bài trí thật lạ. Và chỉ cần đẩy cửa bước vào, dù là người “nhạt khứu giác nhất”, hẳn cũng thốt nhiên cảm thấy như được lọt trở về khung trời sắc hương thủa nào…

Trần Nhã Thanh - không sinh ra tại làng hoa, tốt nghiệp đại học ngành Xã hội học ở nước ngoài, ấy vậy mà từ mười năm trước, đã chọn khởi nghiệp với một phân khúc còn khá lạ lẫm khi đó. Các sản phẩm dược liệu làm tại nhà, sử dụng nguyên liệu bản địa không hóa chất, giúp con người ta tìm lại giá trị hiền hòa mà hữu dụng của những vị thuốc dân gian xưa và đỡ lệ thuộc vào thuốc Tây. Kinh doanh gắn với lối sống Xanh được lựa chọn để theo đuổi đến cùng.

“Cuộc chơi” với hoa đến muộn hơn. Ba năm mở bán, mất đến hai năm, Nhã Thanh chấp nhận bao tiêu cho các nhà cung cấp, để họ chăm sóc và thu hoạch hoa. Vốn là “dân học xã hội”, thứ tự ưu tiên của Thanh không phải là doanh số trên hết. Cô muốn tạo thêm sinh kế cho nhà nông, và hơn cả, muốn trả lại giá trị của hương hoa xưa cho đời sống đô thị hôm nay.

Lựa chọn đi con đường riêng hay đúng hơn sự nhạy bén trong nắm bắt tâm lý đã trở thành lợi thế trong kinh doanh, khi Nhã Anh len vào tâm thức, chạm đến sự thấu cảm... của người ta. Nào ngọc lan, hoàng lan, nào nhài, nào mẫu đơn, rồi những bông lúa cũng trở thành hoa… Tất cả ngỡ đã khuất lấp xa lắm rồi trong đời sống đô thị hiện đại, bỗng lại trở về trong những dáng vẻ vừa thân thương, vừa mới mẻ.

Đôi khi, bắt gặp trên Facebook cá nhân của cô chủ hình ảnh dễ thương của một “runner” dừng lại trước Nhã Anh, mua hoa và buộc vào cổ tay. Cô chạy trong tinh mơ Hà Nội với hương hoa vấn vít… Hay như chuyện, một vị khách đặc biệt đến với Nhã Anh - nữ đạo diễn tài danh Nguyễn Thị Xuân Phượng, vốn thuộc dòng dõi Hoàng tộc, trong một lần ra Hà Nội đã nhất định phải ghé đến tận nơi, để được tìm lại sự tinh tế của hương hoa kinh kỳ xưa. Ở tuổi 91, cụ vẫn mẫn tiệp chia sẻ, bí quyết của cụ chỉ đơn giản là lòng yêu cuộc sống, yêu cái đẹp không bao giờ vơi cạn.

Nhã Anh tự bao giờ đã trở thành điểm kết nối của những con người có cùng một giá trị sống, thật tinh tế và ý thức sâu sắc về sự dung dưỡng tâm hồn.

Duyên khởi từ một chữ ZEN

“Không biết có ai như tôi không? Khi thị trường bánh đang rần rần vì những loại bánh mới hấp dẫn và mang tính thời thượng, tôi vẫn cứ ngồi lặng im ngắm bánh su sê... Ngắm mãi, ngắm mãi... điềm tĩnh tựa hồ như cách người ta ngắm một chuyện tình đã cũ... Tôi đã yêu bánh su sê bằng một tình yêu thật kỳ lạ, lạ đến mức không thể lý giải được cặn kẽ vì sao...? Với tôi bánh su sê không chỉ đơn thuần là kinh doanh bánh mà là một chữ DUYÊN, là tình yêu với món bánh truyền thống...”- Những dòng chia sẻ sâu lắng đã khiến tôi biết đến Chuyện nhà Zen.

Công việc chính của Nguyễn Thị Hạnh là kế toán của một công ty. Từ tháng 4/2018, cô chọn thử sức mình ở một lĩnh vực hoàn toàn mới, mở tiệm bánh online Chuyện nhà Zen. Dẫu tiệm có nhiều loại bánh, nhưng thức quà thu hết tâm sức của Hạnh lại giản dị là những chiếc bánh su sê đa sắc. Tím của lá cẩm, vàng của hạt dành dành, xanh của lá nếp và đỏ của gấc…

“Khi ngồi vê bột tạo nên những chiếc bánh nhỏ xinh đủ màu , khi chậm rãi gói những chiếc bánh bằng lá chuối, chậm rãi cài tăm cố định lá..., tôi đã thấy lòng mình thật bình yên, như thể trong một buổi tối mùa đông bỗng nhiên chạm tay phải những kỷ vật cũ...”. Tâm sự ấy của Hạnh dường như đã phần nào lý giải được chữ ZEN trong Chuyện Nhà Zen khi khởi nghiệp và giờ đây là những nhánh thương hiệu tiếp sau nữa như Tiệm bánh Zen và Bếp nhà Zen… Tất cả đều chung một chữ ZEN. Như một sự thiền định, như một thông điệp mà cô chủ đưa ra về con đường kinh doanh của mình.

Chuyện kinh doanh không phải thuận ngay từ ban đầu, từng chịu lỗ khi khởi nghiệp, cũng từng nhận được nhiều gợi ý thay đổi sản phẩm đáp ứng thị hiếu của đa số khách hàng luôn ưa thích những gì mới mẻ, như là thêm nhiều loại nhân hiện đại như nhân bí đỏ, nhân phô mai… nhưng Hạnh chọn làm theo cách truyền thống, từ việc tuyển nguyên liệu tự nhiên nhất cho đến cách bao gói thuần khiết lối xưa. Không phải người gốc Hà thành, nhưng Hạnh lại có duyên khi nhận được tình cảm đặc biệt của một gia đình có truyền thống làm bánh su sê, gieo duyên truyền nghề và hỗ trợ những bước ban đầu cho cô gái trẻ và ZEN.

Từ sâu thẳm, có một tiếng nói tha thiết, nhắc Hạnh hãy cứ giữ những gì đã trở thành giá trị truyền thống, nhưng đừng quên trao thêm cho su sê những giá trị của cuộc sống hôm nay. Su sê nhà ZEN đã đến với những không gian sâu lắng hoài cổ, đã trở thành những món quà trao nhau thể hiện thành ý của người tặng.

“Hơn một chiếc bánh đó là cả tấm lòng” câu slogan đã thay lời muốn nói. Hạnh sẵn lòng chấp nhận đội chi phí khi chọn cách gói bánh bằng lá chuối. Em nói với tôi: Sắc xanh mướt của lá đã theo em từ tuổi thơ vào đến căn bếp nhỏ, mỗi ngày nhìn thấy lá chuối ở bếp ZEN, em lại thấy như có tuổi thơ và vùng ký ức êm đềm ngay bên mình…

Chỉ hơn một năm thôi, “đại dương xanh” dường như rộng mở trước Chuyện Nhà Zen. Tháng 1 tới đây, tiệm bánh rất đỗi bình yên và dịu dàng ấy sẽ có thêm một “bến đậu” ở TP Hồ Chí Minh. Những người xa xứ, những người phương Nam muốn tìm kiếm hương vị truyền thống của đất Bắc, sẽ có thêm địa chỉ ghé thăm. Người nhà ZEN cảm thấy an lòng hơn, khi những chiếc bánh được làm tươi ngon nhất sẽ không còn phải vượt hơn ngàn cây số mới đến được với khách, nhẹ nhàng Hạnh chia sẻ vậy thôi.

Cô khiến tôi nhớ đến câu chuyện, từng có một bác Việt Kiều lớn tuổi đã trào nước mắt khi được nếm lại hương vị quê nhà từ chiếc bánh su sê nhà ZEN! Nhớ để mong rằng, Chuyện nhà Zen sẽ còn đưa thức quà kinh kỳ đi xa hơn nữa…

Tết đã thật gần

Tôi hỏi Nhã Thanh và Nguyễn Hạnh cũng một câu hỏi: Bạn nghĩ thế nào về Tết cổ truyền? Câu trả lời của họ, mỗi người mỗi vẻ, và tôi muốn gửi đến độc giả một cách nguyên bản nhất. Bởi, có lẽ sẽ có những người đồng cảm, những người cảm thấy rưng rưng khi nghĩ về Tết, như cách hai người phụ nữ ấy đã cảm nhận.

Với Nhã Thanh:

Tết là khoảng thời gian người ta kiến tạo, nghĩ về và vẫy vùng trong Hạnh Phúc. Tết là dọn rửa bên trong bên ngoài, sửa soạn tâm thế đón mở cái mới. Tết là lúc tích tụ ngọt ngào thành dưỡng chất đối đầu với thử thách và nghịch cảnh trong cuộc sống. Tết là cùng nhau tri ân quá khứ và hiện tại. Sự sung túc của tương lai không thể được xây dựng trên một nền tảng hiện tại yếu ớt. Tết là lúc làm chắc sợi dây gắn kết gia đình, củng cố gia đạo và làm giàu tinh thần.

Tôi nhớ nhất những lúc tất bật phụ mẹ món nọ món kia chuẩn bị cho Tết, gói ghém gửi những thức ngon biếu các nhà. Sau này khi mẹ không còn, mỗi lần Tết đến là khung cảnh ấm êm đó lại tái hiện như một thước phim, tôi muốn tua đi tua lại nhiều lần.

Gia đình nhỏ của tôi đón Tết rất đơn giản. Vì theo đạo Phật nên không cúng gà Giao Thừa, không làm cơm mặn, tuyệt đối không sát sinh, thay vào đó là phóng sanh, là cố gắng làm nhiều điều phước thiện vào đầu năm. Bữa cơm đậm chất truyền thống thường được làm để cả nhà sum vầy bữa Tất niên, còn trọn Tết sẽ chỉ ăn healthy diet, nhẹ nhàng… Cơ thể mình cũng cần được được nghỉ Tết, tái tạo năng lượng, phải không?

Mùng một, xuất hành đầu tiên là đưa trẻ đi thăm hỏi chúc Tết các bậc cao niên trong họ hàng, đi lễ chùa và nguyện gieo nhiều nhân lành để sinh trưởng trí tuệ, sự an lành cho cả gia đình. Trẻ con chỉ cần biết trên dưới, trước sau và nhân quả để có tương lai thịnh vượng về tinh thần và vật chất.

Kính trên, nhường dưới, thảo lòng

Nhớ ơn, tha thứ, phước hồng trời cho

Tết là lúc thực hành những điều tâm linh khắc cốt để sống triệt để và tận tuỵ, vậy thôi!

Với Nguyễn Hạnh:

Trong tôi vẫn nguyên vẹn những cái Tết của thời thơ ấu, thủa còn ở quê nhà, ngóng chờ tết để được mẹ đưa đi may áo mới, được cả nhà sum vầy chuẩn bị cho tết. Lúc đó Tết thật đẹp và thật ấm…

Sau này, học đại học ở Hà Nội, mong đến Tết để được về nhà với bố mẹ, thỏa nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ bố mẹ luôn khắc khoải trong lòng. Rồi tới lúc lấy chồng, Tết đầu tiên không được gần bố mẹ, bữa cơm tất niên năm đó đông người ,nhiều món, mà sao nước mắt cứ chảy mãi… Rồi dần dần cũng quen , quen với việc phải gói kín nỗi nhớ vào một ngăn nhỏ để toàn tâm toàn ý cho cái Tết của nhà chồng cho trọn đạo làm dâu, rồi tới mùng hai tết mới về nhà với bố mẹ đẻ…

Tôi hay kể cho các con nghe những kỷ niệm về Tết, với mong muốn nuôi dưỡng cho con mình niềm mong chờ ngày Tết, tạo cho con niềm vui và sự hứng thú trong công việc giúp đỡ mẹ chuẩn bị Tết chứ ko phải bị làm việc vì Tết. Ở gia đình tôi, đã hình thành một nếp, khi sắp giao thừa, mỗi người sẽ dành ra khoảng thời gian để nghĩ về, để ghi lại điều gì chưa làm được trong năm và dự định của mình trong năm mới.

Tôi đã có lúc sợ Tết, nhưng còn sợ vô cùng nếu Tết bị mất dần đi. Nếu không có những ngày sum vầy đặc biệt ấy, chắc gì đã cảm nhận được trọn vẹn đến thế “vị” của yêu thương – yêu thương cho đi và yêu thương nhận lại …

Vâng, Tết đã thật gần! Những xúc cảm về Tết luôn khiến người ta muốn sống đẹp hơn. Hoài cổ một chút, tại sao không?

Có thể bạn quan tâm