Nghị định 100 hướng dẫn Luật Nhà ở 2023 quy định, cá nhân muốn mua nhà ở xã hội phải có thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng, còn vợ chồng không được vượt quá 30 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, cách tính thu nhập cụ thể vẫn khiến nhiều người băn khoăn. Liệu mức này được tính theo bình quân cả năm hay từng tháng riêng lẻ? Tiền thưởng Tết, doanh thu hay các khoản phụ cấp ngoài lương cơ bản có được đưa vào tổng thu nhập hay không? Những điều này đang khiến không ít người dù đạt các điều kiện khác vẫn chưa chắc chắn mình có thuộc diện được mua nhà ở xã hội.
Để giải đáp thắc mắc trên, Tạp chí Thương gia đã có cuộc trò chuyện cùng Ths. Luật sư Nguyễn Phó Dũng Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự. Tại đây, vị luật sư đã chia sẻ rất rõ về cách tính thu nhập để xác định điều kiện mua nhà ở xã hội.
Theo Luật sư, tiền thưởng Tết, thưởng doanh thu, hay các khoản phụ cấp ngoài lương cơ bản có được tính vào tổng thu nhập để xác định điều kiện mua nhà ở xã hội không, thưa luật sư?
Về việc tính các khoản thu nhập như tiền thưởng Tết, thưởng doanh thu, phụ cấp ngoài lương cơ bản, Nghị định không quy định cụ thể. Tuy nhiên, thông thường, các khoản thu nhập này được tính vào tổng thu nhập hàng tháng thực nhận nếu chúng được chi trả thường xuyên và ổn định.
Do đó, khi xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, cơ quan chức năng có thể tính đến các khoản thu nhập này để xác định điều kiện thu nhập của đối tượng đăng ký.
Để đảm bảo tính chính xác và minh bạch, người đăng ký nên cung cấp đầy đủ các giấy tờ chứng minh thu nhập, bao gồm cả các khoản thưởng và phụ cấp, khi nộp hồ sơ đăng ký mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội.
Hiện nay, quy định về điều kiện thu nhập để mua nhà ở xã hội nêu rõ mức 15 triệu đồng/tháng đối với cá nhân và 30 triệu đồng/tháng đối với vợ chồng. Vậy mức thu nhập này được tính theo bình quân cả năm hay từng tháng riêng lẻ?
Điều 30, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện thu nhập để hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội như sau:
“a) Trường hợp người đứng đơn là người độc thân thì có thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận.
Trường hợp người đứng đơn đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận.
b) Thời gian xác định điều kiện về thu nhập trong 1 năm liền kề, tính từ thời điểm đối tượng quy định tại khoản này nộp hồ sơ hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội”.
Như vậy, mức thu nhập này được hiểu tính theo bình quân hàng tháng trong 12 tháng liên tục trước thời điểm nộp hồ sơ, nhằm phản ánh chính xác khả năng tài chính của đối tượng xét duyệt.
Trong trường hợp người lao động làm nhiều công việc, có thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau, vậy thu nhập sẽ được tính như thế nào và ai sẽ là người có thẩm quyền xác nhận?
Người lao động làm nhiều công việc, có thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau thì thu nhập sẽ được tính tổng hợp từ tất cả các nguồn thu nhập mà người lao động nhận được một cách ổn định, thường xuyên trong 12 tháng liên tục trước khi nộp hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội.
Tổng nguồn thu nhập sẽ được cộng lại và chia trung bình theo từng tháng để xác định mức thu nhập bình quân hàng tháng. Thu nhập tính theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận.
Trường hợp đối tượng người thu nhập thấp tại khu vực đô thị quy định khoản 5 Điều 76 của Luật Nhà ở không có hợp đồng lao động, nếu là người độc thân thì thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng, nếu đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng.
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xác nhận, UBND cấp xã thực hiện việc xác nhận điều kiện về thu nhập trong 1 năm liền kề tính từ thời điểm đối tượng quy định tại khoản này nộp hồ sơ hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Như vậy, để đảm bảo quyền lợi và tránh vướng mắc pháp lý khi xét duyệt mua nhà ở xã hội, người lao động nên chuẩn bị hồ sơ một cách đầy đủ, minh bạch và rõ ràng từ tất cả các nguồn thu nhập của mình.
Người có thẩm quyền xác nhận là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nơi cá nhân làm việc và phát sinh thu nhập hoặc UBND cấp xã/phường trong trường hợp không hợp đồng lao động, có cơ quan, tổ chức cố định,
Với quan điểm của luật sư, cơ quan chức năng nên kiểm tra, giám sát việc kê khai thu nhập của người mua nhà ở xã hội như thế nào để đảm bảo tính minh bạch, tránh trường hợp gian lận hồ sơ?
Theo tôi, để đảm bảo tính minh bạch, tránh trường hợp gian lận trong việc kê khai thu nhập khi mua nhà ở xã hội, cơ quan chức năng cần quy định rõ ràng về hồ sơ chứng minh thu nhập, xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung, đồng bộ.
Cùng với đó, thực hiện một số biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đồng thời cần có chế tài nghiêm minh đối với trường hợp vi phạm; công khai, minh bạch thông tin để tránh gian lận;
- Xin cảm ơn ông!