Theo Bộ nhận định của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), trong khi các đồng tiền chủ chốt đều biến động mạnh, có những đồng tiền mất giá tới 9% như KWR, SEK thì VND là một trong những đồng tiền hiếm hoi có tỷ giá ổn định so với USD.
Từ đầu năm đến nay, VND có một lần tạo sóng từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5. Tuy nhiên, mức tỷ giá mua vào của ngân hàng ở đỉnh sóng cũng chỉ tăng 0,84% so với cuối năm 2018, ở 23.360 VND/USD, sau đó nhanh chóng hạ nhiệt. Ngay cả khi áp lực rất lớn, đột ngột đến từ tỷ giá USD/CNY vượt qua ngưỡng 7,0 và CNY liên tục giảm giá, mức giảm lên tới gần 4% chỉ trong tháng 8, VND vẫn đi ngang, thậm chí còn giảm và hiện ở mức thấp hơn cuối năm 2018 là 0,06%.
Theo SSI Research, nhiều yếu tố thuận lợi sẽ góp phần ổn định tỷ giátrong thời gian tới, trong đó có thể kể đến việc dự trữ ngoại hối đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, ước tính khoảng 70 tỷ USD.
Cán cân thương mại của Việt Nam và dòng vốn đầu tư nước ngoài đang diễn biến thuận lợi. Cán cân thương mại tháng 8 thặng dư 3,43 tỷ USD, đây là mức thặng dư kỉ lục tính theo tháng trong nhiều năm trở lại đây.
Lũy kế 8 tháng năm 2019, cán cân thương mại thặng dư 5,1 tỷ USD. Dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân vẫn tăng đều, đến hết tháng 8 có 11,96 tỷ USD vốn FDI giải ngân (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái); dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng khá tích cực với các thương vụ bán vốn cổ phần lớn của Vietcombank, Vingroup, Vinaconex MEC… và các đợt vay vốn quốc tế của Vinmec, VPBank...; cán cân tổng thể thặng dư 9,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2019.
Bên cạnh đó, một số dòng vốn lớn có thể nhìn thấy sẽ về trong thời gian tới như khoản bán vốn của BIDV và mùa kiều hối cuối năm cũng là những nhân tố góp phần ổn định tỷ giá.
Cụ thể, BIDV sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank (Hàn Quốc) tổng cộng hơn 603,3 triệu cổ phiếu. Số cổ phiếu trên tương ứng 15% vốn điều lệ sau phát hành của BIDV, tương ứng với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài này tại đây.
Ước tính, tổng giá trị giao dịch của thương vụ lần này sẽ đạt gần 20.300 tỷ đồng, xấp xỉ 900 triệu USD.
Cũng theo nhận định của SSI Research, NHNN có cơ sở để hướng các chính sách điều hành sang mục tiêu giảm lãi suất do chỉ số CPI đến tháng 8 vẫn khá thấp so với mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% Quốc hội đề ra năm 2019.
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc ngày càng căng thẳng đã làm đảo ngược chính sách điều hành của cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các đợt nâng lãi suất chấm dứt và đã có lần hạ lãi suất (0,25 điểm %) đầu tiên sau hơn một thập kỉ và nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ thêm trong phiên họp tuần này.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng liên tục cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc (4 lần trong năm 2018 và 3 lần từ đầu 2019 đến nay), điều chỉnh cơ chế để tăng hiệu lực điều hành lãi suất và hạ giá nhân dân tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Cùng với đó là một loạt những bất ổn tại các đầu tầu kinh tế khắp các châu lục như Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Argentina… đã làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Khác với sự phân hóa trong hướng điều chỉnh lãi suất năm 2018, kể từ đầu năm 2019 đến nay, xu hướng giảm lãi suất có sự đồng thuận khá cao khi số lần giảm lãi suất của các NHTW trên thế giới ngày càng gia tăng, hiện tại đã là 93 đợt điều chỉnh giảm trong khi chỉ có 9 đợt điều chỉnh tăng lãi suất.
>> Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang: Cần hành động đón đầu để tránh cú sốc tỷ giá