Thấy gì từ Báo cáo tài chính quý IV/2019 của Hòa Phát?

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) công bố BCTC quý IV/2019 với nhiều con số "gây sốc".
Thấy gì từ Báo cáo tài chính quý IV/2019 của Hòa Phát?

Kết quả kinh doanh của HPG có dấu hiệu tạo đáy và đi lên từ quý IV/2019

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) công bố BCTC quý IV/2019 đạt kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu đạt kỷ lục 18,282 tỷ đồng, tăng 25,28% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 1,917 tỷ đồng, tăng 8,67%  so với quý IV/2018.

Với kết quả này công ty đã chấm dứt chuỗi 4 quý liên tiếp suy giảm lợi nhuận từ quý IV/2018 đến quý III/2019. Nguyên nhân của kết quả kinh doanh tích cực trở lại này chủ yếu đến từ sản lượng hàng bán của HPG tăng mạnh sau khi lò cao số 1 tại Dung Quất đi vào hoạt động.

Tính chung cả năm 2019 HPG ghi nhận 63.658 tỷ đồng doanh thu, tăng 14% so với năm 2018 và 7.508 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ, giảm 12,43%.

Biên lợi nhuận gộp quý IV/2019 đạt 15,77% giảm so với mức 17,8% cùng kỳ 2018; Tương tự biên lợi nhuận ròng đạt 10,66% giảm so với mức 12, 26% cùng kỳ 2018. Nguyên nhân giảm đến chủ yếu từ: giá bán thép năm 2019 nói chung, quý IV/2019 nói riêng giảm khá mạnh so với cùng kỳ, trong khi đó giá quặng sắt năm 2019 vẫn cao hơn so với 2018 khá nhiều và giá điện tăng 8,36% so với 2018.

Chúng tôi cho rằng Kết quả kinh doanh của HPG có khả năng đã tạo đáy trong quý III/2019 và dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2020 nhờ: sản lượng hàng bán tăng mạnh khi lần lượt các lò cao số 2, 3,4 đi vào hoạt động; giá quặng sắt trở về mức bình thường như trước khi có sự cố vỡ đập của tập đoàn Vale ở Brazil hồi đầu năm 2019, trong khi đó giá bán hàng sẽ duy trì ổn định.

Kết quả kinh doanh HPG từ 2015 – 2020
Kết quả kinh doanh HPG từ 2015 – 2020

Sức khỏe tài chính tốt, xóa bỏ mọi nghi ngờ về rủi ro trả nợ của HPG

Trong quý IV/2019, Hòa Phát đã đưa lò cao số 1 vào hoạt động điều này thể hiện rất rõ qua mục “Tài sản dở dang dài hạn” đã giảm từ mức 49.990 tỷ đồng cuối quý III/2019 xuống còn 37.441 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Dự kiến khoản mục này sẽ tiếp tục giảm mạnh vào quý I/2020 khi lò cao số 2 đi vào hoạt động và giảm mạnh khi các lò cao còn lại đi vào hoạt động vào quý II/2019 hoặc quý III/2020.

Nợ vay của công ty đã giảm 1.516 tỷ đồng so với quý III/2019, trong khi đó vốn chủ sở hữu tăng lên 47.788 tỷ đồng từ 46.050 tỷ đồng cuối quý III/2019 nhờ lợi nhuận của quý IV/2019. Điều này giúp tỷ lệ nợ vay/VCSH chỉ còn 76,76% so với mức 82,89% cuối quý III/2019, đây là mức rất an toàn với doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình xây dựng, mở rộng mạnh như HPG.

 Chúng tôi cho rằng nợ vay của Hòa Phát sẽ tiếp tục giảm mạnh trong năm 2020 do: nhu cầu đầu tư cố định và nhu cầu tăng hàng tồn kho cho lò cao 2,3,4 không quá nhiều; dòng tiền từ HĐKD và khấu hao của HPG rất lớn trung bình khoảng hơn 3.000 tỷ đồng mỗi quý.

Tỷ lệ chiếm dụng vốn của Hòa Phát tiếp tục cao đạt 480,79% so với mức 389,92% của quý III/2019. Điều này thể hiện lợi thế cạnh tranh rất lớn của HPG khi công ty chiếm dụng tiền lớn từ nhà cung cấp.

Tình hình tài sản và nguồn vốn của HPG từ 2015 – 2020
Tình hình tài sản và nguồn vốn của HPG từ 2015 – 2020

Dòng tiền của HPG rất tốt trong quý IV/2019

Riêng trong quý 4/2019 dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tăng 6.772 tỷ đồng rất lớn so với mức 1.582 tỷ đồng của 3 quý đầu năm, nguyên nhân chủ yếu đến từ : lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thay đổi vốn lưu động đạt 3.244 tỷ đồng; tăng chiếm dụng vốn của các đối tác lên đến 4.130 tỷ đồng; hàng tồn kho cho lò cao sản xuất tăng không đáng kể do từ quý III/2019 lò cao số 1 đã chạy thử nghiệm và hàng tồn kho đã được công ty đã được đầu tư trong quý này. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tính chung cả năm 2019 cao nhất trong lịch sử của công ty đạt 8.354 tỷ đồng, điều này cho thấy hoạt động kinh doanh HPG mang lại tiền rất tốt.

Dòng tiền từ hoạt động đầu tư riêng quý IV/2019 của HPG âm 5.001 tỷ đồng, tính cả năm là âm 18.698 tỷ đồng, nguyên nhân đến từ HPG tiếp tục đầu tư mạnh cho dự án Dung Quất. So sánh với tổng mức đầu tư của dự án cũng như thực trạng đang vận hành chúng tôi nhận thấy dòng tiền hoạt động đầu tư năm 2020 sẽ âm không lớn, do đó không có áp lực về mặt vay nợ cho HPG.

Dòng tiền từ hoạt động tài chính dương lớn trong 3 năm liền từ 2017 – 2019 do HPG vay và phát hành thêm vốn để bù đắp cho hoạt động đầu tư lớn trong khi dòng tiền kinh doanh không đủ. Tuy vậy với tính hình dòng tiền như phân tích ở trên, trong khi HPG chưa có thêm các dự án lớn nào đáng kể ngoài Dung Quất, chúng tôi cho rằng năm 2020 dòng tiền tài chính sẽ quay trở lại âm chủ yếu do trả bớt nợ vay. Đối chiếu với thuyết minh báo cáo tài chính, các khoản vay dài hạn của HPG bắt đầu được hoàn trả đáng kể vào nửa cuối năm 2020. Vì thế chúng tôi cho rằng trong năm 2020 nợ vay của Hòa Phát sẽ giảm nhiều và dòng tiền tài chính sẽ chuyển sang trạng thái âm.

Kết luận

Từ BCTC đã công bố của HPG, chúng tôi đánh giá rất cao tình hình sức khỏe tài chính cũng như khả năng sinh lời của công ty trong năm 2019, cho dù không còn được hưởng lợi từ nhu cầu tăng mạnh và giá đầu vào thấp như những năm trước.

Cho năm 2020, nếu các điều kiện kinh tế không có nhiều biến động bất ngờ, chúng tôi kỳ vọng HPG có thể đạt 9.000 – 9.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với EPS đạt từ 3.260 đồng – 3.441 đồng.

Với mức định giá cho năm 2020, P/E từ 7,3-7,7 lần, hơn nữa HPG vẫn còn tiềm năng tăng trưởng công suất và lợi nhuận trong tương lai, chúng tôi cho rằng HPG hấp dẫn cho đầu tư dài hạn.

Theo Bộ phận tư vấn đầu tư - CTCK VNDirect

Có thể bạn quan tâm