Tiếp tục phát hiện nhiều sản phẩm phụ tùng ô tô giả mạo nhãn hiệu tại TP. Hồ Chí Minh

Lực lượng Quản lý thị trường vừa kiểm tra nhiều cửa hàng mua bán, lắp ráp phụ tùng... đã phát hiện nhiều sản phẩm phụ tùng ô tô giả mạo nhãn hiệu.

Việc phát hiện nhiều sản phẩm phụ tùng ô tô giả mạo nhãn hiệu là nằm trong chương trình kế hoạch của lực lượng Quản lý thị trường. Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra khu vực chợ Tân Thành, một trong những kinh doanh, bán sỉ phụ tùng, phụ kiện, đồ trang trí xe máy lớn tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam.

Trưa ngày 30/12/2022, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường TP. HCM chia thành nhiều tổ công tác, đồng loạt kiểm tra 9 cửa hàng kinh doanh thiết bị, phụ kiện âm thanh xe hơi tại đường An Dương Vương, phường 4, quận 5.

Tiếp tục phát hiện nhiều sản phẩm phụ tùng ô tô giả mạo nhãn hiệu tại TP. Hồ Chí Minh
Tiếp tục phát hiện nhiều sản phẩm phụ tùng ô tô giả mạo nhãn hiệu tại TP. Hồ Chí Minh

Cũng giống như chợ Tân Thành, đường An Dương Vương nổi tiếng là trung tâm mua bán, trao đổi các loại phụ tùng, đồ trang trí, linh kiện ô tô. Các mặt hàng ở đây được bán sỉ đi nhiều tỉnh thành phố trên cả nước.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận rất nhiều sản phẩm là phụ tùng, linh kiện, đồ trang trí ô tô được đựng trong túi ni lông, thùng giấy với nhiều mẫu mã, thương hiệu khác nhau. Ngoài việc phát hiện hàng hóa được bày bán, lực lượng chức năng còn có rất nhiều hàng hóa được lưu trữ trong kho của các cửa hàng. Tại thời điểm làm việc, các chủ cửa hàng chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Sau quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng nhận định nhiều hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các mặt hàng có dấu hiệu đã qua sử dụng.

Việc kiểm tra nhằm kịp thời xử lý vi phạm triệt để, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá được Nhà nước bảo hộ và tránh vi phạm các quy tắc, các quy ước về công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Đặc biệt, đảm bảo an ninh thị trường những ngày cận Tết.

Trước đó, ngày 21/12, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra 12 cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy tại chợ Tân Thành.

Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận hàng nghìn phụ kiện, đồ trang trí xe máy đựng trong thùng giấy, giỏ nhựa và treo trên giá. Đoàn kiểm tra đang yêu cầu chủ cửa hàng xuất trình giấy phép kinh doanh, hóa đơn chứng từ của tất cả phụ kiện, đồ trang trí xe máy được bày bán, cất giữ tại các địa điểm này.

Phát hiện số lượng cực khủng sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Honda tại chợ Tân Thành
Phát hiện số lượng cực khủng sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Honda tại chợ Tân Thành trước đó

Tại các cửa hàng nằm trên đường Phạm Hữu Chí, Tân Thành, Tạ Uyên, Hà Tôn Quyền, Lương Nhữ Học... lực lượng Quản lý thị trường cũng tiến hành kiểm tra để xác định dấu hiệu vi phạm.

Nhận định ban đầu của lực lượng Quản lý thị trường, phần lớn hàng hóa kinh doanh tại đây đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của nhiều thương hiệu lớn như Honda, Yamaha, Suzuki.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay pháp luật nước ta nghiêm cấm các hành vi mua bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái dưới mọi hình thức. Điều này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp.

Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hay phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử phạt hành chính hành, theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt từ 1.000.000 đến 100.000.000, tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật.

Trong khi đó, Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ quy định cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Cụ thể, trường hợp mua bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) - tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.

Có thể bạn quan tâm